1. Thông tư 24/2019/TT-BYT về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm
Không dùng phụ gia thực phẩm để lừa dối người tiêu dùng là nội dung đáng chú ý nêu tại Thông tư 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.
Theo đó, Thông tư quy định danh mục 57 loại phụ gia phẩm màu được phép dùng trong thực phẩm và các nguyên tắc phải tuân theo: Đảm bảo được phép sử dụng và đúng đối tượng, không vượt quá mức sử dụng tối đa với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; Chỉ sử dụng để đạt hiệu quả mong muốn mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng; Duy trì giá trị dinh dưỡng của thực phẩm…
Bộ Y tế ban hành danh mục gồm 400 loại phụ gia được sử dụng trong thực phẩm và mức sử dụng tối đa đối với từng loại. Cụ thể: Đồ uống từ sữa dạng lỏng có hương vị được sử dụng tối đa 105mg curcumin/kg, đối với viên xúp và nước thịt thì mức tối đa là 50mg/kg; Erythrosin được sử dụng tối đa 200mg/kg quả ướp đường, mức sử dụng tối đa chất này đối với rau củ quả lên men và sản phẩm rong biển lên men là 30mg/kg, đối với sản phẩm dùng để trang trí lớp phủ, nước sốt ngọt thì lượng sử dụng tối đa là 100mg/kg…
Việc xác định mức sử dụng tối đa phụ gia thực phẩm theo Thực hành sản xuất tốt (GMP) phải thực hiện theo các nguyên tắc sau: Hạn chế tối đa lượng phụ gia thực phẩm sử dụng để đạt được hiệu quả mong muốn; Lượng phụ gia sử dụng trong quá trình sản xuất không làm thay đổi bản chất của thực phẩm hoặc công nghệ sản xuất thực phẩm; Phụ gia được sử dụng phải bảo đảm chất lượng, an toàn dùng cho thực phẩm và có thể chế biến, vận chuyển như nguyên liệu thực phẩm.
2. Thông tư 25/2019/TT-BYT quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm
Khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo về sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện truy xuất nguồn gốc theo hướng dẫn tại Thông tư 25/2019/TT-BYT của Bộ Y tế.
Theo quy định, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn ngay khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân về sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn của cơ sở. Ngay sau khi thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm phải báo cáo kết quả bằng văn bản về cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải lưu giữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin truy xuất nguồn gốc thực phẩm của cơ sở trong thời gian tối thiểu 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm; 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiến hành phân tích, xác định nguyên nhân gây mất an toàn đối với lô sản phẩm thực phẩm phải truy xuất. Trường hợp thực phẩm không đảm bảo an toàn phải được thu hồi và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
3. Thông tư 59/2019/TT-BTC quy định lệ phí cấp Căn cước công dân
Ngày 30/8/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 59/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân (CCCD) mới.
Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân phải nộp lệ phí thẻ Căn cước công dân. Mức lệ phí cấp Căn cước công dân trong một số trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất, công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân là 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Trường hợp thứ hai, đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu là 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Trường hợp thứ ba, cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam là 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Bên cạnh đó, Thông tư này còn quy định các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí. Cụ thể, được miễn lệ phí khi xin đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân khi công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo;…
4. Thông tư 15/2019/TT-BGDĐT về quy định chuẩn chữ nổi Braille cho người khuyết tật
Chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille cho người khuyết tật được quy định tại Thông tư 15/2019/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30/8/2019.
Theo đó, Thông tư này quy định về quy tắc đọc, viết ô Braille, hệ thống ký hiệu và quy tắc viết chữ nổi tiếng Việt cho người khuyết tật dùng để đọc, viết. Cụ thể, quy tắc đọc được quy định như sau:
- Một ô Braille gồm 06 chấm nổi xếp thành 02 cột dọc và 03 hàng ngang. Mỗi cột dọc có 03 chấm, mỗi hàng ngang có 02 chấm;
- Đọc chữ nổi Braille theo chiều từ trái sang phải, lần lượt từng ô cho đến hết dòng. Khi xuống dòng lại tiếp tục đọc từ ô đầu tiên bên trái cho đến hết dòng…
Thông tư cũng quy định cụ thể các quy tắc viết chữ nổi Braile tiếng Việt và hệ thống kí hiệu trong trình bày văn bản và trong các lĩnh vực như Toán học; Vật lí; Hóa học;… Chuẩn quốc gia về chữ nổi Braile cho người khuyết tật áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động giáo dục và các hoạt động khác liên quan đến người khuyết tật.
Nguồn: VITIC