Ngày 22/6/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký Lệnh số 02/2017/L-CTN về việc công bố Luật Quản lý ngoại thương đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 12/6/2017.

Sáng 12/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quản lý ngoại thương; Luật Đường sắt; Luật chuyển giao công nghệ; Luật Du lịch; Luật Thủy lợi. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Lãnh đạo Vụ Pháp chế sẽ tham dự Họp báo.

Trong suốt quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ năm 1995, Việt Nam đã liên tục cải thiện chính sách, công cụ pháp luật để thực hiện quản lý ngoại thương phù hợp với điều kiện hội nhập. Sau khi gia nhập WTO, chúng ta vẫn đang nỗ lực hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước về thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế để tận dụng tối đa cơ hội hội nhập đồng thời hạn chế những bất lợi về vị thế và năng lực cạnh tranh.

Hoạt động ngoại thương trong thời gian qua diễn ra sôi động và có đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác quản lý nhà nước về ngoại thương đã chặt chẽ, thông suốt, minh bạch và hiệu quả hơn, song chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể là:

Thứ nhất, Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Thứ hai, hệ thống pháp luật ngoại thương hiện hành còn tồn tại sự trùng lắp, chồng chéo, sự minh bạch chưa cao, tính ổn định, dự báo còn thấp.

Thứ ba, sau khi Luật Thương mại 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành được ban hành, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO cùng nhiều các hiệp định thương mại tự do khác (như Liên minh kinh tế Á Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN, EVFTA, TPP…). Do đó, pháp luật phải được hoàn thiện để phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới.

Thứ tư, cơ chế quản lý ngoại thương hiện hành đang tạo ra những rào cản về thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy, pháp luật cần được hoàn thiện trên nguyên tắc và theo quan điểm chỉ đạo là cải cách thủ tục hành chính, duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi theo hướng hệ thống hóa, hài hòa hóa các thủ tục hành chính có liên quan.

Cuối cùng, các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động ngoại thương cần những cơ sở pháp lý ở mức cao nhằm thể hiện quan điểm hỗ trợ ngoại thương của Nhà nước nhằm tận dụng tối đa các ưu thế, ưu đãi trong các khuôn khổ thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên.

Do đó, việc xây dựng một đạo luật về quản lý ngoại thương có tính định hướng rõ ràng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, ổn định, minh bạch, thống nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết. Đồng thời, đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo đó, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là: một, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, phát triển hoạt động ngoại thương; hai, phải là đạo luật điều chỉnh bao quát các công cụ quản lý ngoại thương thông qua hệ thống hóa, pháp điển hóa các quy định pháp luật hiện hành, nội luật hóa các điều ước quốc tế; đảm bảo tính linh hoạt trong việc xây dựng chiến lược ngoại thương và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cũng như đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; ba, bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển hoạt động ngoại thương của thương nhân và tính cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực pháp lý về các biện pháp phòng vệ thương mại, hỗ trợ ngoại thương để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Luật Quản lý ngoại thương bao gồm 8 Chương, 113 Điều, cụ thể như sau:

- Chương I – Những quy định chung.

- Chương II – Các biện pháp hành chính.

- Chương III – Các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch.

- Chương IV – Các biện pháp phòng vệ thương mại.

- Chương V – Biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương.

- Chương VI – Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương.

- Chương VII – Giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

- Chương VIII – Điều khoản thi hành.

Những nội dung cơ bản của Luật

a) Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng: Luật Quản lý ngoại thương điều chỉnh chủ yếu công tác quản lý nhà nước về ngoại thương bao gồm: các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau; chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ.

b) Về nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương, quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương

Luật Quản lý ngoại thương đã quy định các nguyên tắc chủ yếu như : (1) Nhà nước quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. (2) bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu.

Trong bối cảnh, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, lần đầu tiên, Luật đã khẳng định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân chỉ bị hạn chế nếu thuộc các trường hợp mà Luật quy định biện pháp cấm, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Riêng đối với đối tượng là thương nhân là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, Luật quy định quyền, nghĩa vụ của các đối tượng này theo đúng các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc quy định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu tại Luật là phù hợp với tinh thần Hiến pháp, phù hợp với tinh thần tiến bộ của Luật Đầu tư và Điều 7 Luật Doanh nghiệp.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương, Luật quy định các nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương theo đó giao nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho Bộ Công Thương, các bộ, chính quyền địa phương phù hợp với các biện pháp quản lý quy định trong Luật này và theo nguyên tắc "một biện pháp do một cơ quan đầu mối phụ trách".

c) Về các biện pháp quản lý ngoại thương:

Các biện pháp hành chính (Chương II): Luật Quản lý ngoại thương quy định rõ các biện pháp quy định tại Chương này là sự đảm bảo hài hòa, lồng ghép giữa hai nguyên tắc cơ quan nhà nước chỉ được làm pháp luật cho phép và thương nhân được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Theo đó, các biện pháp mang tính hạn chế quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu được quy định nhằm đảm bảo lợi ích công cộng, an ninh quốc phòng, hoặc phù hợp cam kết quốc tế...phải thực hiện theo những nguyên tắc xác định trong Luật và chỉ được áp dụng đối với danh mục hàng hóa cụ thể. Những hàng hóa ngoài các danh mục này được tự do xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể các biện pháp như sau: Về biện pháp cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu: Luật quy định nguyên tắc xác định Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, theo đó việc cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hàng hóa chỉ áp dụng đối với các trường hợp liên quan đến hàng hóa an ninh, quốc phòng chưa được phép, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, môi trường, sức khỏe cộng đồng...và giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục. Về biện pháp quản lý theo giấy phép, điều kiện: Luật phân biệt rõ giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu mà doanh nghiệp phải có khi làm thủ tục thông quan hàng hóa với các điều kiện (không phải là giấy phép) mà doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu. Các loại giấy phép và điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu nói trên sẽ được Chính phủ quy định công khai, minh bạch để cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, thực hiện, giám sát. Biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, lưu hành tự do: Luật quy định về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; giấy chứng nhận lưu hành tự do theo hướng quy định về việc doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Quản lý hoạt động ngoại thương với các nước có chung biên giới: Luật quy định khung khổ pháp lý chung về đối tượng, hoạt động, địa điểm, phương thức và chính sách ưu đãi, đặc thù của hoạt động thương mại biên giới và nguyên tắc phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong hoạt động thương mại biên giới đồng thời quy định về điều hành, phối hợp quản lý hoạt động thương mại biên giới tại cửa khẩu biên giới đất liền; chính sách phát triển các hoạt động hỗ trợ thương mại tại cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người, phương tiện giao thông vận tải qua các cửa khẩu biên giới đất liền và phát triển du lịch. Quản lý hàng hóa đối với khu vực hải quan riêng: Luật phân định rõ quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu giữa nội địa với các khu vực hải quan riêng, giữa các khu vực hải quan riêng với nhau cũng như giữa khu vực hải quan riêng với bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư.

Điểm mới của Luật là quy định chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý ngoại thương đối với khu hải quan riêng. Quy định như trên giúp giảm thiểu thủ tục hành chính cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong các khu vực hải quan riêng đồng thời tận dụng được lợi thế của các khu này nhất là các khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu kinh tế biển nơi có cửa khẩu, cảng biển thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa là nguồn nguyên liệu cần thiết phục vụ sản xuất.

Các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch (Chương III): Luật Quản lý ngoại thương quy định mục tiêu áp dụng và kiểm tra hàng hóa đáp ứng yêu cầu của các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch nhằm thực hiện mục tiêu hệ thống hóa, pháp điển hóa, minh bạch hóa các quy định của pháp luật, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điểm mới là Luật này đã quy định nguyên tắc tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, quản lý rủi ro trong thực hiện các biện pháp và kiểm tra chuyên ngành; phân định rõ các nhóm hàng hóa với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch cụ thể, đảm bảo mức độ phù hợp, hài hòa giữa quản lý nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Luật đã quy định hoạt động kiểm tra chuyên ngành, trong đó quy định cụ thể đối tượng kiểm tra, cơ quan tiến hành kiểm tra và trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra để thống nhất về cơ sở pháp lý, đối tượng, nguyên tắc, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong thực hiện kiểm tra đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành đang được quy định rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Các biện pháp phòng vệ thương mại (Chương IV): Nội dung của Luật Quản lý ngoại thương được pháp điển hóa, sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản của tại 03 Pháp lệnh đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành đồng thời bổ sung nội dung mới về chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, ứng phó với vụ việc do nước ngoài khởi xướng nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu quản lý trên thực tiễn, đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp này.

Kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương (Chương V): Luật Quản lý ngoại thương quy định cụ thể một số trường hợp chính cần có sự can thiệp khẩn cấp đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa từ một hoặc một số đối tác thương mại xuất phát từ yếu tố khách quan hoặc chủ quan.

Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương (Chương VI): Luật Quản lý ngoại thương quy định về chính sách phát triển hoạt động ngoại thương như một trong những công cụ quản lý nhà nước quan trọng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ngoại thương theo cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Theo đó, Nhà nước thúc đẩy phát triển hoạt động ngoại thương thông qua các biện pháp như: các biện pháp tín dụng, xúc tiến thương mại và các hoạt động hỗ trợ phát triển khác, với trọng điểm là xúc tiến thương mại.

Luật cũng quy định một số chính sách đặc thù trong phát triển ngoại thương đối với sản phẩm có lợi thế cạnh tranh mà trong nước sản xuất được cũng như các sản phẩm công nghệ và nguyên liệu đầu vào cần thiết phục vụ sản xuất trong nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, các vùng có điều kiện địa lý - kinh tế khó khăn tham gia hoạt động ngoại thương.

Giải quyết tranh chấp (Chương VII): Luật Quản lý ngoại thương quy định nguyên tắc trong giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngoại thương có liên quan đến cơ quan của Chính phủ. Theo đó, nguyên tắc chung là các vụ việc có tranh chấp giữa doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp Nhà nước) phải được giải quyết theo thỏa thuận cũng của các bên cũng như theo quy định trong tố tụng dân sự. Chính phủ chỉ tham gia giải quyết tranh chấp trong trường hợp liên quan đến lợi ích quốc gia, trong quan hệ giữa Chính phủ với Chính phủ theo các quy định của pháp luật quốc tế.

Luật đã có những quy định hoàn toàn mới nêu rõ trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc xây dựng phương án giải quyết tranh chấp quốc tế trong cả hai trường hợp, bao gồm việc Việt Nam bảo vệ lợi ích của mình khi bị các nước khởi kiện và việc Việt Nam chủ động khởi kiện các nước khi họ vi phạm những nghĩa vụ, cam kết gây xâm hại đến lợi ích của Việt Nam.

Tổ chức thi hành Luật

Luật giao Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản sau: khoản 5 Điều 5; các Điều 10, 28, 31, 32, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 53, 54, 67, 104, 105, 106, 110, 111 và dự kiến trên cơ sở các nội dung này, Chính phủ sẽ ban hành các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết (dự kiến là 05 Nghị định).

Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Quản lý ngoại thương trong đó có yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có kế hoạch rà soát các quy định pháp luật có quy định chưa phù hợp với dự án Luật này; tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật đến các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Chi tiết Luật Quản lý ngoại thương, xem tại đây.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương