1. Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Với 435/453 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với nhiều nội dung đáng chú ý như:
- Tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ để phù hợp với lộ trình đến năm 2028, nam đủ 62 tuổi; đến năm 2035, nữ đủ 60 tuổi;
- Bổ sung thêm 01 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh. Lúc này, người lao động sẽ được nghỉ 02 ngày.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
Đây là một trong những dự án Luật được nhiều người quan tâm nhất tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Trong đó, Luật này được thông qua vào chiều ngày 25/11/2019.
Theo đó, rất nhiều điểm nổi bật ảnh hưởng đến mọi đối tượng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị hiện nay như:
- Với cán bộ, công chức: Bổ sung quy định cán bộ, công chức nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn có thể bị xử lý kỷ luật, một trong các hình thức xử lý kỷ luật là "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm".
- Với viên chức: Bỏ chế độ “biên chế suốt đời” đối với viên chức, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua sản phẩm, công việc cụ thể…
3. Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi)
25/11/2019 cũng là ngày các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nội dung nổi bật của Luật này là việc quy định trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích, giá trị của thị thực; trường hợp được miễn thị thực mà không phải kèm theo điều kiện.
4. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)
Trong đó, Luật này đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 6 Điều 3 với việc quy định vũ khí quân dụng gồm 05 loại kèm theo xác định các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự.
5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Là một trong những dự án luật nằm trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được thông qua chiều 22/11/2019 với 89,23% đại biểu nhất trí.
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung đáng chú ý như:
- Giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân
- Thêm một số quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
- Quy định đại biểu Hội đồng nhân dân phải có ít nhất 01 quốc tịch Việt Nam.
6. Luật Thư viện
Là một đạo Luật hoàn toàn mới vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2019, Luật này thay thế cho Pháp luật Thư viện năm 2000 đã bộc lộ rất nhiều bật cập.
Theo đó, Luật Thư viện có rất nhiều điểm mới so với trước đây, phải kể đến:
- Lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển một xã hội có thói quen, văn hóa đọc;
- Mở rộng đối tượng được thành lập thư viện: Không chỉ có tổ chức của Việt Nam mà còn tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
7. Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Với 92,12% đại biểu tán thành, ngày 26/11/2019, Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi.
Theo đó, Luật này gồm 10 chương, 135 Điều với một số nội dung nổi bật như:
- Tăng điều kiện vốn điều lệ để công ty được chào bán công khai. Theo đó, công ty phải có vốn điều lệ là 30 tỷ đồng thay cho 10 tỷ đồng trước đây;
- Nâng vốn điều lệ của công ty đại chúng lên tối thiểu 30 tỷ đồng so với 10 tỷ đồng hiện nay, ít nhất phải có 100 cổ động nắm giữ tối thiểu 10% tổng số cổ phần.
8. Luật Lực lượng dự bị động viên
Dự án Luật với 5 chương và 41 điều vừa được Quốc hội thông qua vào chiều ngày 26/11/2019.
Theo đó, Luật này quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; Chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên…
Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 và thay thế cho Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên 1996.
9. Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)
Chiều 22/11 Quốc hội đã thông qua Luật Dân quân tự vệ sửa đổi 8 chương 50 Điều với tỷ lệ 91,72% đại biểu tán thành với nhiều điểm mới nổi bật như:
- Bổ sung thêm 04 trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ như: Nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; Có chồng hoặc vợ là công chức, viên chức, công nhân quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, công an…
- Người có quyết định tuyển dụng công chức, viên chức, công nhân quốc phòng hoặc công an nhân dân được thôi nghĩa vụ trước thời hạn.
10. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Luật này được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều ngày 22/11/2019 với tỷ lệ 92,55% Đại biểu tán thành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
Theo đó, Luật được thông qua gồm 9 chương, 52 Điều, quy định về thời hạn của các loại giấy tờ xuất nhập cảnh, một số quyền của công dân liên quan đến xuất nhập cảnh như được lựa chọn nơi cấp hộ chiếu, được quyền tùy chọn nơi trả hộ chiếu.
11. Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)
Cùng ngày 26/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi với 15 nội dung của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 và 07 nội dung của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Trong đó, nội dung nổi bật là Kiểm toán Nhà nước có quyền ra quyết định kiểm toán không cần “dấu hiệu tham nhũng” bởi việc đưa dấu hiệu tham nhũng sẽ khó thực hiện được.
Ngoài ra, để bảo đảm tính thống nhất, Luật sửa đổi này cũng bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán cũng như quy định kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính…
Trước đó, Quốc hội dự kiến thông qua tại kỳ họp lần này 12 Luật, tuy nhiên sau đó Luật Tổ chức Quốc hội đã được thống nhất đưa vào chương trình của kỳ họp lần sau.
Đồng thời, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng thông qua một số Nghị quyết như:
- Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận;
- Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước;
- Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn đoạn 1;
- Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV;
- Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.
Nguồn: VITIC