Trước tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ để trục lợi, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 31/7/2015, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết Bộ Xây dựng đã giao Thanh tra Bộ và Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản kiểm tra làm rõ; đồng thời tiến hành rà soát, tiếp tục hoàn thiện các quy định về đối tượng và điều kiện cho vay để tránh việc lợi dụng.

Theo Bộ trưởng Nên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo rà soát kỹ quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định và sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, trước hết là ở những địa phương mà báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các vi phạm.

Sau hơn 2 năm thực hiện (đến 31/5/2015), tổng số tiền cam kết cho vay của gói 30.000 tỷ đồng đối với khách hàng khoảng 14.161 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền của gói hỗ trợ), trong đó có hơn 18.000 hộ gia đình, cá nhân với số tiền là gần 9.000 tỷ đồng.

Một vấn đề khác là việc Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014, Luật Kinh doanh bất động sản đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tuy nhiên đến nay còn thiếu một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho không ít doanh nghiệp, làm giảm đi tác động tích cực của các Luật này.

Bộ trưởng Nên cho biết để bảo đảm thực hiện ngay các quy định của Luật tại thời điểm Luật có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn việc áp dụng trực tiếp các quy định mới của Luật, bảo đảm thông suốt trong hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng Pháp luật tháng 7/2015, Chính phủ cũng đã xem xét và quyết nghị những nội dung, giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật đã có hiệu lực, trong đó có Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014, ông Nên nói.

 

Đỗ Phong