Ông đánh giá như thế nào về sự sụt giảm nghiêm trọng của thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và chứng khoán toàn cầu nói chung trong phiên giao dịch ngày 24/8?

Thị trường toàn cầu đang phản ứng trước những lo ngại về Trung Quốc bởi nền kinh tế này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Sự sụp đổ này, xét trên mọi nền tảng, mọi đặc điểm, đều có sự tương đồng với tính trạng của Thái Lan năm 1997 - nơi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á - nhưng với mức độ cực lớn bởi quy mô nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn rất nhiều.

Những yếu tố đang chú ý là dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ồ ạt rút khỏi Trung Quốc khiến Chính phủ nước này không thể giữ ổn định hay cố định đồng nhân dân tệ như trước được nữa. Nếu Trung Quốc cố giữ, dự trữ ngoại tệ sẽ càng hao hụt nên họ buộc phải phá giá.

Xuất khẩu của Trung Quốc sau khoảng 2 thập kỷ đạt được thành tựu để mang lại thặng dư thương mại khổng lồ cho quốc gia này thì đã quay đầu sụt giảm trong vài năm trở lại đây. Các nhà đầu tư lo ngại bong bóng tài sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ vỡ, kéo theo sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu.

Thực tế, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã thể hiện "cú rơi" này với biến động sụt giảm mạnh trong suốt nửa tháng qua. Trong khi đó, quốc gia này lại đang chi phối gần như mọi hoạt động kinh tế của thế giới. 'Nhà đầu tư toàn cầu tháo chạy vì lo Trung Quốc sụp đổ' TS. Quách Mạnh Hào dự đoán, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ có đợt hồi phục kỹ thuật trước khi rơi vào vùng khó khăn mới.

Thị trường chứng khoán Mỹ có đạo luật cho phép đóng cửa tạm thời trong một thời gian ngắn, nếu một chỉ số chính biến động vượt tính toán của các nhà điều hành. Mục đích của việc làm này là gì?

Thị trường chứng khoán nói chung dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý tức thời của nhà đầu tư, nhất là khi họ hoảng loạn, sợ hãi. Việc đóng cửa tạm thời thị trường là giúp nhà đầu tư bình tĩnh lại và suy xét cẩn trọng các bước đi của mình, tránh việc ồ at giao dịch theo cảm tính.

Chứng khoán Việt Nam hôm qua cũng chứng kiến phiên sụt điểm kỷ lục trên cả hai sàn giao dịch. Ngoài tác động từ thị trường thế giới, liệu có nguyên nhân nào khác trong nội tại nền kinh tế?

Nguyên nhân chính vẫn là xu hướng rút dòng vốn của các nhà đầu tư ra khỏi thị trường Trung Quốc, thị trường chứng khoán của các quốc gia mới nổi nói chung, khiến Việt Nam chịu tác động bất lợi.

Một nguyên nhân khác cũng tác động rất mạnh lên nền kinh tế là việc điều hành chính sách tỷ giá của Chính phủ. Nhiều chuyên gia cho rằng đó là một phản ứng linh hoạt, kịp thời, nhưng cá nhân tôi không đồng ý, bởi dù việc giảm giá tiền đồng là một động thái tốt thì lựa chọn thời điểm đưa ra quyết định nâng biên độ tỷ giá lại không đúng thời điểm.

Trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã cam kết sẽ giữ biên độ tỷ giá ổn định. Nhưng khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ và Việt Nam cũng ngay lập tức nâng biên độ tỷ giá thì các nhà đầu tư sẽ có suy nghĩ nền kinh tế Việt, chính sách tiền tệ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Điều này cũng dẫn tới niềm tin nếu kinh tế Trung Quốc sụp đổ thì kinh tế Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề.

Đáng ra quyết định này nên đưa ra trước hoặc sau động thái của Trung Quốc, bởi theo quan điểm của tôi, ảnh hưởng phá giá nhân dân tệ nếu có sẽ chỉ tác động đến Việt Nam sau 3 đến 6 tháng. Lúc đó chúng ta điều chỉnh cũng chưa muộn, thay vì đưa ra quyết định vào thời điểm rất nhạy cảm với nhà đầu tư như thế.

Biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng theo xu hướng với thế giới. Đây có phải là biểu hiện chứng khoán Việt Nam đã tiếp cận với thị trường toàn cầu thay vì một mình một hướng và chỉ hoạt động theo tin đồn?

Không. Nếu nhìn lại thì bất cứ cuộc khủng hoảng nào cũng diễn ra theo xu hướng "các nước hành động giống nhau". Khi có dấu hiệu khủng hoảng toàn cầu, thị trường Việt Nam cũng bám sát thị trường quốc tế. Nhà đầu tư nhìn theo phản ứng của thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài trên sàn để quyết định giao dịch. Nhưng sau đó, chứng khoán Việt Nam lại diễn biến xa rời quốc tế.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trước đó đang ở xu thế tăng điểm và có nhiều cơ sở để tăng trưởng, bởi có sự hỗ trợ của các mã dẫn dắt thị trường như chứng khoán ngân hàng từ những thông tin tốt trong quá trình tái cơ cấu. Nhà đầu tư khi đó cho rằng nợ xấu ngân hàng đang được giải quyết rất tốt. Nhưng khi những vụ việc của các ngân hàng như Đại Dương, Đông Á... lộ ra nhà đầu tư đặt câu hỏi: nợ xấu đã được giải quyết thực sự chưa, hay chỉ đơn giản là chuyển giao cho VAMC (công ty quản lý tài sản)? Và nhà đầu tư đã quay sang bán tháo nhóm cổ phiếu này.

Ông có dự đoán như thế nào về những động thái tiếp theo của nhà đầu tư trong và ngoài nước sau ngày thứ hai đen tối?

Thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ hồi phục, nhưng không ổn định. Việc hồi phục về mặt kỹ thuật là có thể dự đoán được bởi thị trường chắc chắn sẽ xuất hiện một nhóm nhà đầu tư lao vào bắt đáy, "bắt dao rơi". Nhưng hành động này chỉ giúp thị trường có thời gian tĩnh lại, và sau đó sẽ có thể tiếp tục khó khăn.

Ông Quách Mạnh Hào là một trong những chuyên gia chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam, đã theo dõi thị trường này từ những ngày đầu.

Ông có bằng thạc sĩ và tiến sĩ Quản trị kinh doanh chuyên ngành Tài chính của Đại học Birmingham, từng làm việc tại các trường đại học Liverpool, Salford, Birmingham, California State, Đại học Kinh tế Quốc dân và tham gia vào các dự án nghiên cứu của của nhiều tổ chức quốc tế.

Ông từng làm việc tại công ty chứng khoán Thăng Long, giữ chức Phó tổng giám đốc tại MBS, giảng dạy tại Đại học Lincoln Vương quốc Anh.

Theo Hạ Minh

Zing News

Nguồn: Zing News