Gần hai tuần qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng chóng mặt. Từ ngày 30/6 đến ngày 6/7, chỉ số tổng hợp của cổ phiếu loại A (cổ phiếu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và thị trường khoán Thâm Quyến, dùng để phân biệt với cổ phiếu loại B thanh toán bằng ngoại tệ) trên thị trường chứng khoán Thượng Hải đã tăng 12,5%, từ mức 2.961,52 điểm lên 3.332,88 điểm.
Nếu tính từ mức đáy trong năm đạt được vào ngày 23/3 ở mức 2.660,17 điểm, tới ngày 6/7, Chỉ số Chứng khoán Thượng Hải đã tăng 25,3%. Không chỉ leo thang về điểm số, thanh khoản trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng tăng mạnh, nhiều ngày ở trên mốc 1.500 tỷ nhân dân tệ (hơn 210 tỷ USD).
Theo hãng tin Reuters, thị trường chứng khoán Trung Quốc luôn là thị trường được thúc đẩy bởi chính sách. Vào thời điểm nhạy cảm Trung Quốc thực thi Luật An ninh Quốc gia đối với Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, thị trường chứng khoán Trung Quốc và thị trường chứng khoán Hong Kong gia tăng nhịp nhàng cùng nhau.
Đặc biệt, sự gia tăng đó lại được dẫn dắt bởi các cổ phiếu tài chính có tỉ trọng lớn trong rổ tính chỉ số chứng khoán hàm chứa các tính toán sâu xa về việc ổn định thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán.
Sự gia tăng chóng mặt của thị trường chứng khoán Trung Quốc gần đây khiến người ta liên tưởng tới "thị trường con bò" (bull market) từng xảy ra ở Trung Quốc năm 2015. Tuy nhiên, câu chuyện bắt đầu từ một năm trước đó.
Vào đầu năm 2014, các công ty chứng khoán có cái nhìn khác nhau về sự tốt, xấu của thị trường. Trong đó, công ty chứng khoán An Tín có cái nhìn ảm đạm nhất về cổ phiếu loại A. Không ai ngờ, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã có một động thái hiếm có.
Trang mạng của tờ Nhân dân Nhật báo (people.com.cn) đăng bài với tiêu đề: “Chứng khoán An Tín: Tay bán khống lớn nhất thị trường chứng khoán Trung Quốc”, chỉ trích gay gắt công ty chứng khoán An Tín không hiểu gì về chính trị.
Bài viết chỉ rõ công ty chứng khoán An Tín vốn chẳng ai biết đến, nhưng chỉ vì đưa ra báo cáo “đánh xuống” mà nổi danh trên thị trường.
An Tín đã lờ đi việc những yếu tố cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc đã được cải thiện, lờ đi những nỗ lực ổn định tăng trưởng, điều chỉnh kết cấu, thúc đẩy chuyển đổi của cấp cao cũng như những sắp xếp về mặt chế độ đối với thị trường vốn mà Hội nghị Thường trực chính phủ vừa đưa ra, càng lờ đi sự thay đổi về chất đang xảy ra trên thị trường, kiên định cái nhìn ảm đạm, khiến người ta kinh ngạc và đây thực sự là điều hiếm thấy.
Tuy nhiên, bài viết khiến người ta chú ý khi chỉ rõ công ty chứng khoán An Tín “nói nặng là không có lập trường chính trị, nói nhẹ là vì thu hút sự chú ý mà coi nhẹ nhà đầu tư”.
Theo tờ Economic Journal ngày 10/7, câu này rõ ràng muốn phát thông điệp rằng phân tích thị trường chứng khoán cũng phải có lập trường chính trị, không được đi ngược với Trung ương. Đây chính là thực tế diễn ra đối với “thị trường chính sách”.
Dưới sự thúc đẩy của nhân tố chính sách, năm 2014, Chỉ số Chứng khoán Thượng Hải đã tăng 53%, Chỉ số Chứng khoán Thâm Quyến tăng 34%, vượt trên mức tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu. Bước vào năm 2015, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tạo ra điều thần kỳ, từ ngày 31/12/2014 đến ngày 12/6/2015, Chỉ số Chứng khoán Thượng Hải tăng 60% còn Chỉ số Chứng khoán Thâm Quyến tăng 122%.
Khi đó, ngay cả sinh viên đại học, người về hưu và rất nhiều nông dân đã rầm rộ đổ tiền vào thị trường chứng khoán. Tiền trong thẻ tín dụng cũng được rút ra để mua cổ phiếu, có nghĩa nguồn tiền vào thị trường cơ bản đã kiệt quệ. Hơn nữa, động lực then chốt là sự hỗ trợ từ dòng vốn của các công ty chứng khoán và dòng vốn từ nhóm nhà đầu tư trước đây đứng ngoài thị trường.
Rất nhiều người đã sử dụng đòn bẩy tài chính để mua cổ phiếu, khiến sức mua tăng gấp đôi, thậm chí tăng nhiều lần. Tuy nhiên, cùng với việc nguồn tiền bị khô kiệt nhanh chóng và quy mô bán cổ phiếu rút tiền ra quá lớn, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã không thể chặn được đà lao dốc mạnh mẽ.
Từ mức đỉnh đạt 5.178,19 điểm vào ngày 12/6/2015, Chỉ số Chứng khoán Thượng Hải đã giảm xuống chỉ còn 2.850,71 điểm vào ngày 26/8/2015.
Cuối cùng, các nhà tạo lập đã phải ra tay cứu thị trường, nhưng vẫn không thể ngăn được đà suy giảm của cổ phiếu loại A và cổ phiếu loại A bắt đầu rơi vào “thị trường con gấu” (xu hướng giảm) kéo dài 5 năm, tới tháng 1/2019, Chỉ số Chứng khoán Thượng Hải chỉ còn 2.440,91 điểm.
Rốt cuộc, sự tăng giảm trên thị trường chứng khoán vẫn phải dựa trên các nhân tố cơ bản. Kinh tế Trung Quốc hiện nay đối mặt với bộn bề khó khăn, bên trong nhu cầu khó lên vì lo lắng dịch bệnh bùng phát trở lại, bên ngoài nhu cầu đi xuống vì dịch bệnh đang hoành hoành, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn còn đó, thậm chí tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Tất cả khó có thể trở thành bệ đỡ để cổ phiếu loại A bước vào “thị trường con bò”, cho nên, khi thị trường tăng nóng như hiện nay, câu hỏi đặt ra là khi nào cú lao dốc từng xảy ra năm 2015 sẽ lặp lại.

Nguồn: Hà Ngọc (P/V TTXVN Tại Kuala Lumpur)