Nhiều người dùng đã không ít lần cảm thấy như đang bị Facebook, Google theo dõi từng đường đi nước bước trên Internet. Chẳng hạn, nếu bạn tra cứu về cầu Golden Gate trên Google, khi truy cập YouTube và Facebook, bạn sẽ thấy ngay những quảng cáo về các chuyến du lịch giá rẻ tới San Francisco (Mỹ). Hay khi chat Facebook với một ai đó về giày dép trong Messenger, News Feed của bạn sẽ xuất hiện những quảng cáo về thời trang ở cột trái.

 Thực ra, không chỉ có Facebook và Google mà đa số các website đều nằm trong một mạng lưới quảng cáo nhất định. Mỗi mạng quảng cáo này để lại một mã gọi là "cookie" trong máy tính của người dùng. Khi họ ghé thăm một trong những website thành viên, trang đó sẽ nhận ra cookie và giúp hệ thống biết họ đang ở đâu để có thể cung cấp những quảng cáo cá nhân hóa.

Những site thành viên này biết những gì khách truy cập thực hiện trên trang để xây dựng cơ sở dữ liệu về những gì họ quan tâm và không quan tâm. Từ đó, hệ thống quảng cáo sẽ lựa chọn hiển thị những đường link mà khả năng người sử dụng bấm vào sẽ cao hơn.

Năm 2013, quảng cáo cá nhân hóa mang đến cho các nhà quảng cáo trực tuyến 42,8 tỷ USD và con số này tăng 15% lên 49,45 tỷ USD vào năm 2014. Nhưng đa số website chỉ có thể tính toán dựa trên các cú nhấp chuột của người dùng. Còn Facebook thậm chí biết rõ "bạn đang nghĩ gì". Nó biết bạn là ai, ở đâu, bao nhiêu tuổi, bạn bè như thế nào, bạn "thích" gì, hay chia sẻ những thông tin gì trên mạng xã hội. Đây chính là lợi thế mà Facebook đang hơn hẳn các website khác, kể cả Google trong việc triển khai quảng cáo cá nhân hóa.

Tuy nhiên, giữa tháng 9, Facebook tuyên bố sẽ thu thập cả những dữ liệu của người dùng thông qua cách họ sử dụng nút Like và Share đang được nhúng trên hàng chục triệu website và ứng dụng để tùy biến tốt hơn nữa những quảng cáo hướng tới người dùng. Thay đổi này sẽ bắt đầu được áp dụng trong tháng 10.

Đây là sự "cộng thêm" ngoài những thông tin mà Facebook đã khai thác trong các quảng cáo như thông tin tài khoản người dùng, hoạt động của họ trên News Feed.

"Chúng tôi hy vọng những quảng cáo mà mọi người nhìn thấy sẽ tiếp tục trở nên hữu ích và phù hợp hơn", Stephen Deadman, chuyên gia của Facebook, khẳng định.

Dù giờ mới được công bố, không ít người cho rằng Facebook đã triển khai, hoặc ít nhất đã thử nghiệm kiểu thu thập thông tin bên ngoài mạng xã hội này từ lâu. Facebook đã cho phép nhúng nút Like vào trong các website khác từ năm 2010.

Phát ngôn viên của Facebook cho rằng việc thu thập này về cơ bản không khác gì những công cụ mà đa số các website vẫn đang áp dụng để theo dõi thói quen duyệt web của khách ghé thăm.

Nếu không thích thông tin của mình bị mang ra trao đổi, người dùng có thể mở mục Settings, chọn phần "Ads" và thay đổi các chế độ trong đó. Việc này không ngăn Facebook tiếp tục theo dõi bạn cũng như bạn sẽ vẫn thấy quảng cáo trên Facebook, nhưng ít nhất mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ không nhận được thông tin về các hoạt động của bạn trên website đối tác cũng như không gửi dữ liệu về bạn tới các nhà quảng cáo.

Facebook cũng đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích liên quan đến các chính sách bảo mật của hãng, nhiều nhất là chính sách bắt người dùng phải đổi từ nick ảo sang tên thật, thậm chí bắt gửi ảnh chứng minh thư, bằng lái xe... để kiểm tra, đối chiếu.

Theo Minh Minh
Số Hóa

Nguồn: Số Hóa