Trang thông tin The Conversation của Australia mới đây đăng bài viết của tác giả Dan Jerker B. Svantesson - Đồng giám đốc Trung tâm luật thương mại, Đại học Bond (Australia) - đề cập đến một viễn cảnh mạng Internet mà chúng ta không thể truy cập bất kỳ nội dung nào trừ khi nội dung đó tuân thủ pháp luật của tất cả các nước trên thế giới.
Với mạng Internet đó, mọi người sẽ bị ngăn cản không được bày tỏ các quan điểm phê phán nhiều quốc gia có chế độ độc tài trên thế giới, cũng không thể chất vấn một số vấn đề tôn giáo do vi phạm luật chống báng bổ.
Mỗi quốc gia đều muốn pháp luật của mình được tôn trọng trên mạng. Kịch bản trên có thể là kết quả khó tránh nếu các quốc gia đều thành công trong việc áp đặt luật pháp của mình trên toàn thế giới. Thậm chí ngay cả khi không thể truy tố người đã đăng nội dung lên mạng, các quốc gia có thể yêu cầu các trang mạng có nội dung này gỡ bỏ hay ngăn chặn nội dung đó.
Tuần trước, trong một vụ kiện đang được xét xử tại các tòa án ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), có ý kiến cho rằng một nội dung chỉ nên bị chặn ở những nước mà nội dung đó bị coi là vi phạm pháp luật, chứ không nên bị chặn trên toàn cầu. Đây là một cách tiếp cận hợp lý, và là một điều cần thiết nếu chúng ta muốn tiếp tục có được những lợi ích hiện nay của mạng Internet.

Soi kèo ngoại hạng anh

Đã có rất nhiều tòa án muốn áp đặt những hạn chế nội dung toàn cầu bằng cách yêu cầu các hãng công nghệ gỡ bỏ hay chặn truy cập những nội dung nhất định. Vụ việc thu hút quan tâm gần đây nhất là quyết định ban hành năm 2017 của Tòa án Tối cao Canada buộc Google ngăn chặn một số kết quả tìm kiếm trên toàn cầu. Quyết định này vẫn gây tranh cãi sau khi một tòa án ở Mỹ đứng về phía Google.
Các tòa án ở Australia và Mỹ cũng đang có xu hướng muốn áp đặt những hạn chế nội dung toàn cầu mà không quan tâm đến ảnh hưởng của chúng đối với người sử dụng Internet ở các nước khác. Chẳng hạn như ở Australia, Thẩm phán Pembroke đã yêu cầu Twitter chặn tất cả các nội dung đưa lên mạng trong tương lai trên toàn cầu, bất kể về chủ đề nào, của một cá nhân sử dụng Twitter.
Vấn đề ở chỗ là những gì bất hợp pháp ở một quốc gia này có thể hoàn toàn hợp pháp ở tất cả các quốc gia khác. Vậy lý do gì để những luật hà khắc nhất quyết định những gì được đăng tải trên mạng? Tại sao những nghĩa vụ quy định bởi một quốc gia lại ngăn cản các quyền được công nhận bởi luật pháp ở nhiều nước khác?
Vụ kiện mới nhất liên quan đến vấn đề trên là vụ tranh chấp đang diễn ra ở EU. Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Pháp (CNIL) nỗ lực buộc các công cụ tìm kiếm gỡ bỏ các kết quả tìm kiếm toàn cầu nếu những kết quả này vi phạm pháp luật của EU về “quyền được lãng quên”.
Quyền được lãng quên được quy định trong luật bí mật dữ liệu của EU. Hiểu theo cách đơn giản nhất, luật này trao cho người dân có quyền yêu cầu ngăn chặn truy cập trên các công cụ tìm kiếm những nội dung trên mạng không còn liên quan.
Google không chấp nhận yêu cầu này và đưa vấn đề lên tòa cao nhất của EU, Tòa án Công lý của EU. Ngày 10/1 vừa qua, một luật sư quốc gia của tòa án này đã công bố ý kiến của mình về vấn đề trên (cho đến nay mới chỉ có bản tiếng Pháp của ý kiến này).
Những ý kiến như vậy không có tính ràng buộc đối với Tòa Công lý của EU. Tuy nhiên, phán quyết đưa ra thường căn cứ vào lập luận của luật sư quốc gia. Các thẩm phán đã bắt đầu thảo luận về vụ việc này và phán quyết sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Trong ý kiến của mình, vị luật sư quốc gia nói trên kết luận rằng, liên quan đến quyền được lãng quên, các công cụ tìm kiếm “phải thực hiện mọi biện pháp sẵn có để bảo đảm việc gỡ bỏ đầy đủ và hiệu quả trong EU”. Ông nói thêm rằng việc gỡ bỏ các kết quả tìm kiếm chỉ nên áp dụng bên trong EU. Nhưng ông cũng không loại trừ khả năng rằng “… trong một số trường hợp nhất định, các hãng tìm kiếm có thể được yêu cầu thực hiện các hành động ngăn chặn ở cấp độ toàn cầu”.
Nếu tòa án EU áp dụng cách thức tiếp cận của Tòa Tối cao Canada và muốn áp đặt luật pháp EU toàn cầu, nhiều nước khác, trong đó có cả các quốc gia độc tài, rất có thể coi đây là động thái “bật đèn xanh” cho việc áp đặt pháp luật của nước mình trên khắp thế giới.
Nhưng nếu tòa án EU chọn cách thức theo đề xuất của luật sư quốc gia nói trên, chúng ta có thể chờ đợi sự đảo chiều của xu hướng các tòa án ra phán quyết áp đặt hạn chế nội dung toàn cầu. Có thể mất nhiều tháng nữa mới có phán quyết cuối cùng.
Nguồn: TTXVN