Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà không chỉ góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn phù hợp với mục tiêu của Chính phủ, bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp kỹ thuật giúp TKNL hiệu quả cho các công trình xây dựng. Ông Giáp Hồng Thức - Chuyên gia quản lý năng lượng, Công ty KSMC Việt Nam - cho biết: Sử dụng điều khiển điều hòa tự động bằng hệ thống điều khiển visualization sẽ giúp điều hòa vận hành theo chương trình được cài đặt trước, tự động tắt điều hòa không khí nếu người sử dụng quên, chuyển chế độ tiết kiệm khi thấy điều hòa đang bị sử dụng quá nhiều điện, giảm công suất cực đại bằng cách luân chuyển thời gian vận hành nhằm cắt giảm năng lượng trong giờ cao điểm. Theo ông Thức, việc vận hành theo chu trình cũng sẽ tự động luân chuyển thời gian chạy – nghỉ sẽ tiết kiệm được năng lượng mà vẫn duy trì được môi trường nhiệt độ dễ chịu, kết quả áp dụng cho một khu văn phòng tại Nhật Bản giúp tiết giảm được 13% năng lượng so với trước khi lắp đặt bộ điều khiển.

Trong lĩnh vực chiếu sáng, TS. Nguyễn Phan Kiên - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty BKAT- cho biết: Sản lượng điện cần cung cấp cho các tòa nhà (nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại…) khoảng gần 13.924 tỷ kWh, tương đương với 48% cơ cấu điện thương phẩm. Nhu cầu sử dụng năng lượng của các tòa nhà ngày một tăng, trong đó, theo khảo sát cho thấy, chiếu sáng là lĩnh vực tiêu thu năng lượng chỉ sau lĩnh vực điều hòa không khí. Trong khi đó, phân tích thực trạng sử dụng năng lực trong lĩnh vực chiếu sáng cho thấy nhiều tòa nhà, công trình xây dựng chưa tận dụng tối đa chiếu sáng tự nhiên, mật độ chiếu sáng còn cao, bóng huỳnh quang T10 và chấn lưu truyền thống vẫn được dùng phổ biến, chưa sử dụng nhiều các loại đèn TKNL có hiệu suất cao như đèn compact, huỳnh quang T5…

Ông Nguyễn Phan Kiên chia sẻ, giải pháp tiết kiệm điện cho hệ thống chiếu sáng bằng phương pháp điều khiển cân bằng ánh sáng sẽ giúp tiết kiệm 30- 50% năng lượng tiêu thụ được áp dụng cho văn phòng, tòa nhà, các phòng học, xưởng sản xuất các ngành công nghiệp, đèn đường… Giải pháp này đã được lắp đặt thử nghiệm tại Đại học Bách khoa Hà Nội giúp tiết kiệm trung bình 55% năng lượng, tại Công ty Cổ phần sợi dệt Vĩnh Phúc giúp giảm 50% năng lượng, tại siêu thị Media Star Hà Đông giúp giảm 40%.... Trong đó, ứng dụng cho tòa nhà kính hiệu quả cao hơn rất nhiều lần. Hiện nay, BKAT đang có chương trình lắp đặt thử nghiệm một số đơn vị có nhu cầu.

Ông Đào Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm TKNL Hà Nội- nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh quản lý kiểm soát TKNL nói chung và trong tòa nhà, các công trình xây dựng nói riêng là hết sức cần thiết nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Và để đẩy mạnh hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong tòa nhà và các công trình xây dựng thì việc tuyên truyền, thay đổi suy nghĩ của người đứng đầu đơn vị là hết sức quan trọng.

Tòa nhà trụ sở cơ quan hành chính năng lượng tiêu hao cho điều hòa chiếm đến 75% còn lại là thang máy, chiếu sáng, thiết bị văn phòng. Tòa nhà trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn mức tiêu hao năng lượng chủ yếu cũng tập trung ở hệ thống điều hòa không khí (60 đến 70%).

Nguồn: Nguyễn Hạnh/Báo công thương điện tử