Đó là những lưu ý của các chuyên gia tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng ngày 22/10.
Ưu đãi thuế chưa mang lại hiệu quả như mong muốn
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong vài năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng trung bình xe sản xuất lắp ráp trong nước giai đoạn 2015-2018 khoảng 10%/năm. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hải Bình - Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), số lượng doanh nghiệp này thấp hơn so với các nước trong khu vực như Malaysia và Thái Lan. Số lượng xe lắp ráp vẫn tăng thấp, dẫn đến Việt Nam phải nhập khẩu xe từ nước ngoài với số lượng khá lớn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam thấp hơn nhiều mức trung bình 65 - 70% của các nước trong khu vực và mức 80% của Thái Lan. Ngành sản xuất phụ tùng ô tô mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm lốp, sản phẩm nhựa…
Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách thuế, tài chính đối với ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô, song theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, chính sách thuế và tài chính đối với ngành này đang tồn tại 3 vấn đề khiến các biện pháp ưu đãi thuế không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đó là, sự thay đổi nhanh và nhiều của chính sách thuế, đặc biệt là các chính sách thuế đối với linh kiện. Thứ hai là sự thiếu đồng bộ trong một số chủ trương, chính sách. Thứ ba, đó là khi thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế quan, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô nguyên chiếc các loại xuống 0%.
Riêng đối với chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, mặc dù đây được xem là 1 trong những biện pháp ưu đãi chủ yếu, nhằm thu hút đầu tư, tuy nhiên theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), chính sách này không mang lại hiệu quả như mong muốn. Theo ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, không nhất thiết phải ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lớn như hiện nay, vì theo nguyên tắc khi doanh nghiệp hoạt động có lãi thì việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng là hợp lý. Bên cạnh đó, ưu đãi này có thể là kẽ hở cho một số doanh nghiệp lợi dụng, khi hết thời hạn ưu đãi, họ có thể chuyển sang địa điểm khác, hoặc mở ra dự án mới để lại được hưởng giai đoạn ưu đãi mới.
Đối với chính sách thuế nhập khẩu, trong một số ngành công nghiệp hiện nay, thuế nhập khẩu vật tư, linh kiện cao hơn thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc, do đó đã không khuyến khích được các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng tại Việt Nam vì phải chịu chi phí sản xuất cao hơn so với đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài.
Hay Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, theo đó, để được miễn thuế nhập khẩu, doanh nghiệp phải trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu. Quy định này cũng khiến doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp khác để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn…
Về chính sách tín dụng, hiện do những đặc thù của sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cũng như xuất phát điểm thấp của doanh nghiệp Việt Nam không đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi bởi đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng… dẫn đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
Ngoài ra, trong pháp luật về đất đai và môi trường cũng không có các quy định đặc thù và rõ ràng về các ưu đãi này cho các dự án công nghiệp hỗ trợ, do đó, chưa có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào tiếp cận được các ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước…
Cần chính sách “đặc sắc”
Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng ngang ngửa với Thái Lan, nhưng ông Nguyễn Trung Hiếu – Trưởng ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) - cho rằng, Việt Nam lại có quá nhiều bất lợi trong sản xuất xe ô tô, khiến giá xe sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu khá nhiều.
Ông Nguyễn Trung Hiếu dẫn chứng, một nắp bình xăng do nhà sản xuất trong nước chào hàng có giá 3,8 USD, trong khi chi tiết này nhập khẩu chỉ có giá 1,5 USD. Hay Việt Nam thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu sản xuất thép, nhựa cao cấp phục vụ cho công nghiệp ô tô, buộc phải nhập khẩu với chi phí logistic rất cao.
“Công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đi sau Thái Lan, Indonesia khoảng 20 năm. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích đột phá, hỗ trợ cụ thể và thiết thực hơn. Nếu vẫn làm như chính sách đang có, khoảng cách vẫn thế, 10 năm nữa họ vẫn đi trước, do đó cần có chính sách đặc sắc bắt kịp họ, ví dụ chi phí khấu hao khuôn…” - ông Nguyễn Trung Hiếu đề xuất.
Để đảm bảo chủ trương phát triển ngành công nghiệp ô tô, như phát triển xe tải, xe chuyên dụng, đứng vào phân khúc cao ô tô toàn cầu…, bà Nguyễn Thị Hải Bình cũng kiến nghị thời gian tới ban hành các chính sách mới, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô. Đồng thời rà soát, sửa đổi các chính sách tài chính khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô với mức độ ưu đãi phù hợp với quy mô đầu tư. Bên cạnh đó, ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính nhằm khuyến khích phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cần sửa đổi các chính sách thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ô tô điện. Thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa thông qua việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước...
TS. Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) - cũng cho rằng, để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì cần những ưu đãi tín dụng, như Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ưu tiên cho doanh nghiệp chế tạo/công nghiệp hỗ trợ.
“Hay có chương trình bảo lãnh tín dụng theo chuỗi từ Chính phủ, công ty đầu chuỗi, ngân hàng, doanh nghiệp. Với sự vào cuộc của Chính phủ, sự hỗ trợ kết nối về vốn, công nghệ, thị phần sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững” - bà Trương Thị Chí Bình nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Công thương điện tử