Quy hoạch đi trước một bước
Để phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát huy lợi thế vùng, Quảng Ngãi xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước và đóng vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình phát triển công nghiệp theo hướng bền vững. Những năm qua, Quảng Ngãi đã tập trung quy hoạch và thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp. Tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, một trong những KKT ven biển trọng điểm của cả nước, những năm qua được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng KKT Dung Quất kết hợp với phát triển đô thị Vạn Tường. Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, với quy mô 600ha.
Riêng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), đến nay, KCN Tịnh Phong đã đầu tư cơ sở hạ tầng và cho thuê được 76,4ha/101,6ha đất công nghiệp (tổng diện tích quy hoạch là 140,72ha); tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đến nay gần 200 tỷ đồng. KCN Quảng Phú đã đầu tư cơ sở hạ tầng và cho thuê trên 67ha/73,23ha đất công nghiệp (tổng diện tích quy hoạch là 92,15ha); tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đến nay gần 220 tỷ đồng. Ngoài ra, có 15/20 cụm công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011- 2015 là 24,35 tỷ đồng.
Đột phá thu hút đầu tư
Với những lợi thế cùng chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Quảng Ngãi đã trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2016, Quảng Ngãi đón hơn 70 lượt nhà đầu tư đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nghiên cứu đánh giá tính khả thi của Dự án Tổ hợp Khí điện từ mỏ khí Cá Voi Xanh; Tập đoàn General Electric (Mỹ) với Dự án Thiết kế, sản xuất, phân phối và Sửa chữa lò hơi thu hồi nhiệt…

 

Bên cạnh việc tích cực, chủ động hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ, tỉnh Quảng Ngãi cũng tích cực xúc tiến đầu tư, tăng cường các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án; từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp trên cơ sở phát triển của khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; khai thác hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, phát triển; tạo nền tảng vững chắc đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để thực hiện mục tiêu đó, Quảng Ngãi ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghiệp: Lọc hóa dầu, hóa chất; gia công kim loại, đóng tàu biển, điện tử, công nghệ thông tin; khai khoáng, chế biến khoáng sản, công nghiệp vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; thực phẩm và đồ uống…
Đối với lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, năm 2012, Quảng Ngãi đã thu hút dự án Nhà máy sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử Foster với tổng vốn đầu tư 174 tỷ đồng, công suất 480 triệu sản phẩm/năm đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 2.200 lao động. Năm 2016, Nhà máy sản xuất linh phụ kiện điện tử Sumida tại Quảng Ngãi với quy mô công suất 132 triệu sản phẩm/năm đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động.
Đặc biệt, gần đây là Dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại KKT Dung Quất với công suất 4 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư. Dự án triển khai thực hiện sẽ mở ra hướng đi mới cho phát triển công nghiệp Quảng Ngãi, góp phần tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bước chuyển của công nghiệp Quảng Ngãi được đánh dấu khi Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất được tái khởi động vào năm 2005. Đây được xem là mốc son trong tiến trình phát triển công nghiệp và là trụ cột tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong những năm qua. Dự án đã mang lại nguồn thu chính cho ngân sách tỉnh, góp phần đưa Quảng Ngãi đứng trong top 10 địa phương có nguồn thu ngân sách lớn nhất cả nước. Năm 2016, giá trị sản xuất ngành công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất đạt 90.121 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 82,1% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh, trong đó riêng ngành lọc hóa dầu đạt 89.542 tỷ đồng, chiếm 82%. Nhà máy lọc dầu sản xuất ổn định, đạt giá trị sản xuất cao, có sức lan tỏa rộng đã thu hút đầu tư đối với các ngành công nghiệp sau lọc dầu, ngành dịch vụ hỗ trợ dầu khí..., qua đó khẳng định vai trò hạt nhân phát triển của KKT Dung Quất.

 

Hướng đến phát triển bền vững
Để công nghiệp Quảng Ngãi phát triển bền vững và hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị giá tăng; sản xuất gắn với thị trường; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm công nghiệp, bảo đảm tăng trưởng công nghiệp nhanh và bền vững trong thời kỳ hội nhập. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất, các KCN; đẩy nhanh tốc độ phát triển VSIP Quảng Ngãi. Tích cực, chủ động hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ; thúc đẩy hình thành Trung tâm Công nghiệp hỗ trợ tại Quảng Ngãi, Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát.
Để phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, Quảng Ngãi xác định sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất gắn với thị trường đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, sạch, tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm công nghiệp, bảo đảm tăng trưởng công nghiệp nhanh và bền vững.
Đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất, các KCN; đẩy nhanh tốc độ phát triển KCN - đô thị và dịch vụ VSIP. Sớm hình thành Trung tâm Công nghiệp hỗ trợ tại Quảng Ngãi, Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát. Song song đó là đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, nhất là có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án, chú trọng tạo giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp ở nông thôn, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ; từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản xuất công nghiệp...
 Phát triển công nghiệp là một trong ba nhiệm vụ đột phá được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX. Để công nghiệp Quảng Ngãi phát triển bền vững và hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao gia trị giá tăng; sản xuất gắn với thị trường; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ…
Thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao
 
Nhằm thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua việc thực hiện hiệu quả quy định về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư; đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất, các KCN.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, tích cực thúc đẩy sớm hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng của quốc gia tại KKT Dung Quất.
Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ phát triển VSIP Quảng Ngãi cũng như xây dựng hạ tầng KCN Phổ Phong. Từng bước chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, công nghiệp sạch.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp hóa dầu...
Nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sạch
 
Trong chiến lược phát triển năng lượng của Chính phủ, mục tiêu đề ra đến năm 2020, năng lượng tái tạo chiếm 8% cơ cấu năng lượng. Do vậy, cùng với những dự án thủy điện đã và đang đầu tư, Thiên Tân Group hướng đến đẩy mạnh và phát triển đầu tư các dự án năng lượng mặt trời.
Quảng Ngãi có nhiều điều kiện thuận lợi về địa hình núi thấp và đồi xen kẽ đồng bằng; khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên nhiệt độ cao và ít biến động, ngoài ra thời gian chiếu sáng của mặt trời tại đây cũng tương đối ổn định... đây là những điều kiện rất lý tưởng cho một nhà máy điện mặt trời. Bên cạnh đó, huyện Mộ Đức - nơi Thiên Tân Group đầu tư dự án là huyện đồng bằng, địa hình bằng phẳng, rất thích hợp cho xây dựng cánh đồng pin mặt trời.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng là địa phương đang trong giai đoạn phát triển mạnh sau khi Dự án Nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất được hoàn tất, việc có nhà máy điện mặt trời tại đây sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân địa phương về công ăn việc làm.
Hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia
 
Khi xây dựng một dự án, chúng ta phải có cái nhìn tổng thể để tạo ra một chuỗi liên kết. Theo đó, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được coi là dự án “vệ tinh” và ở mức độ cao hơn, những sản phẩm tiếp theo của nhà máy sẽ phục vụ cho công nghiệp nhẹ và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ như: Hóa chất, xơ sợi nhân tạo, Polymer... phục vụ cho phát triển sản phẩm tiêu dùng, các sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác. Nhà máy cũng sẽ phải sử dụng và kích cầu cho tổ hợp lọc dầu cung cấp các dịch vụ như: xử lý môi trường, cung cấp các hóa chất- xúc tác, sửa chữa, chế tạo, phụ tùng thay thế, đào tạo nguồn nhân lực, xây lắp, logistics, hậu cần... Đồng thời, khi khí của mỏ Cá Voi Xanh vào Dung Quất thì một phần sẽ được phát điện phục vụ cho chính Trung tâm Lọc hóa dầu còn một phần sẽ phát triển hóa dầu từ khí để sản xuất ra phân bón, nhựa, xơ sợi... Như vậy, trong tương lai không xa KKT Dung Quất sẽ trở thành KKT có sức hút mạnh mẽ và năng động ở khu vực ven biển miền Trung.
Phát triển công nghiệp chế biến - nâng cao vị thế hàng Việt
 
Phát triển công nghiệp đang khởi sắc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, trong đó công nghiệp chế biến sản phẩm đầu ra cho nông nghiệp được Quảng Ngãi ưu tiên phát triển. Trong những năm qua Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đã không ngừng đổi mới sáng tạo và cải tiến chất lượng nhằm mang lại những sản phẩm phù hợp với xã hội hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt năm 2016, QNS có 5 sản phẩm được tôn vinh là Thương hiệu Quốc gia gồm: Đường kính trắng RS, Sữa đậu nành Vinasoy, Nước khoáng Thạch Bích, Bia Dung Quất và Bánh kẹo Biscafun. Thành công này không chỉ là niềm tự hào của công ty mà còn của ngành công nghiệp chế biến Quảng Ngãi trong hành trình nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử