Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất lớn trong năm 2019 và năm 2020. Chính vì vậy, điện mặt trời, điện tái tạo, điện gió được coi là nguồn năng lượng bổ sung để đáp ứng được yêu cầu phát triển - đây là trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên chất vấn chiều 6/11.
* Chậm đưa điện về nông thôn, miền núi
Chất vấn dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi trong thời gian qua triển khai chậm, chưa đạt được tiến độ đề ra, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị Bộ trưởng Công Thương cho biết nguyên nhân và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn sau đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù là đề án chính trị rất quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhưng đề án đã không đảm bảo thực hiện được theo đúng tiến độ. Đề án này có mục tiêu cung cấp điện lưới quốc gia cho hơn 1.000 hộ nông dân ở tất cả 17 xã, 9.890 thôn, bản trên cả nước, ở tất cả những vùng miền núi, vùng nông thôn, hải đảo còn nhiều khó khăn, cũng như một số nội dung khác liên quan đến cấp điện cho các trạm bơm tưới nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đề án có quy mô tổng đầu tư dự kiến tới hơn 30.000 tỷ đồng, gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực, vốn đối ứng của các địa phương và vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế. Trong đó, nguồn vốn lớn nhất là từ các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Thế giới và của Liên minh châu Âu với quy mô lên tới 24 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, cuối năm 2017, đầu năm 2018, do trần nợ công lên rất cao và xấp xỉ lên mức giới hạn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể tất cả các chương trình đang sử dụng các nguồn vay dưới danh nghĩa quốc gia, sau đó đã tạm thời không xem xét để đưa nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu, ngoại trừ một khoản hơn 2.800 tỷ đồng đã được giải ngân từ Liên minh châu Âu.
Sau khi Quốc hội và Chính phủ có những nỗ lực để thực hiện an toàn nợ công quốc gia, giảm trần nợ công, việc triển khai thực hiện Đề án sẽ có cơ sở đảm bảo thuận lợi hơn.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động làm việc tiếp với Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu, chuẩn bị sẵn sàng những nguồn hỗ trợ từ tín dụng ưu đãi của hai tổ chức này với quy mô khoảng 24.000 tỷ đồng. Như vậy, có thể đủ điều kiện để tiếp tục triển khai các hợp phần của dự án này. Tuy nhiên, tiến độ đến năm 2020 hoàn thành thì không đảm bảo - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
“Vì vậy, chúng tôi báo cáo Chính phủ kiến nghị với Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục sử dụng nguồn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế để phục vụ cho việc triển khai thực hiện dự án này - một dự án rất quan trọng nhưng trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 2021 đến năm 2025”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
* Nguy cơ thiếu điện
Trước chất vấn của đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) về phát triển điện mặt trời, quy hoạch Tổng sơ đồ điện 7 cũng như mức giá 9,35 cent/kWh trong vòng 20 năm “là khá cao so với các nước trong khu vực cũng như so với giá các nguồn năng lượng khác”, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, quy hoạch Tổng sơ đồ điện 7 dự kiến nguồn phát từ điện mặt trời đến năm 2020 sẽ đạt công suất 800 MW.
Tuy nhiên, quy hoạch Tổng sơ đồ 7 được phê chuẩn từ năm 2017. Thời điểm đó chưa dự kiến đến sự phát triển của điện tái tạo, trong đó điện mặt trời là chủ yếu. Vào thời điểm đó, công nghệ cũng như điều kiện phát triển điện mặt trời chưa thật sự phổ biến và tạo ra sự đột biến trong phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam cũng như tại khu vực.
Để thực thi những biện pháp nhằm đảm bảo sự phát triển năng lượng sạch trên cơ sở năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, cũng như thực thi những chỉ tiêu, mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết về giảm phát thải nhà kính, đồng thời tạo cơ sở để phát triển điện mặt trời như một nguồn năng lượng bền, sạch trong tương lai, thân thiện môi trường, tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quy định giá ưu đãi cho mua điện mặt trời ở mức 9,35 cent/kWh.
“Đây là mức ưu đãi như chúng ta đã nói rất thuận lợi để tạo điều kiện đủ mạnh để các nhà đầu tư tạo những cơ sở ban đầu trong phát triển điện mặt trời và là cơ sở cho phát triển điện sạch và điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, về điều kiện cụ thể và cơ sở để tính giá này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương báo cáo và phối hợp với các tư vấn quốc tế để nghiên cứu các điều kiện thực tiễn của thế giới về công nghệ, cũng như các yêu cầu phát triển điện, đối chiếu với thực tiễn của Việt Nam để xây dựng cơ chế giá, đảm bảo có điều kiện phát triển đủ mạnh.
"Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất lớn trong năm 2019 và năm 2020. Chính vì vậy, điện mặt trời và điện tái tạo, điện gió được coi là nguồn năng lượng bổ sung để đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trên thực tế, tính đến hết ngày 30/6/2019, tức là khi cơ chế giá điện của Quyết định 11 hết hiệu lực, đã có tới gần 4.900 MW điện mặt trời được hoàn tất và đưa vào vận hành, đóng góp một nguồn rất lớn cho việc bổ sung nguồn điện trong năm 2019", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Cũng theo Bộ trưởng Công Thương, hiện nay công suất giải tỏa của dự án đã được phê duyệt và đã phát điện mới dừng ở mức khoảng 30- 40%. Đầu năm 2020, với những nỗ lực chung, bao gồm cả việc nâng cấp các trạm biến áp, cũng như có giải pháp về mặt công nghệ, có khả năng giải tỏa công suất lên tới 60-70%. Cuối năm 2020 và những năm tới, có điều kiện phát triển hệ thống hạ tầng, sẽ giải tỏa hết công suất của các nhà máy điện, nhất là điện mặt trời, đáp ứng yêu cầu cân đối cung cầu điện cho tương lai.
Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng khi phê duyệt chủ trương cho phép xây dựng 87 nhà máy điện mặt trời - theo đại biểu là “quá nhiều”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn trả lời: Chúng ta mong muốn mục tiêu phát triển điện sạch bao gồm điện mặt trời, điện gió.
Trong quá trình triển khai thực hiện, đúng là đã có sự chủ quan, đánh giá không hết về khả năng, năng lực trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư điện mặt trời. “Vì vậy, trong thời gian rất ngắn, với sự hấp dẫn của cơ chế Quyết định 11, đã có sự phát triển bùng nổ của các nhà máy điện này”.
“Tôi xin nhận trách nhiệm trong việc chưa tổ chức thực hiện một cách đầy đủ và có sự bao quát, dự báo trước, kịp thời để có đối sách và biện pháp quyết liệt, nhất là liên quan đến việc phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng để đảm bảo giải tỏa công suất và không gây ra thiệt hại”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Nguồn: Bnews, TTXVN