Công ty TNHH May Minh Tiến (Miti) từ lâu đã được người tiêu dùng trong nước biết đến với các sản phẩm cặp sách, balo… dành cho lứa tuổi học sinh. Chia sẻ về thành công này, ông Nguyễn Trí Kiên - Giám đốc công ty - cho hay: Để tạo được lòng tin với người tiêu dùng, doanh nghiệp đã chú trọng và thực hiện tốt, lâu dài các chính sách chăm sóc khách hàng, quản lý chuỗi sản xuất, phân phối một cách nhịp nhàng. Đặc biệt ngay từ đầu, công ty đã đầu tư bài bản về công nghệ sản xuất, chú trọng chất lượng sản phẩm và thương hiệu. 
Chia sẻ về cách thức thâm nhập thị trường, ông Nguyễn Khắc Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Giày Thanh Thủy - cho biết: Công ty chưa có thương hiệu, ít người biến đến, do đó để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, một mặt công ty đã đưa sản phẩm vào các đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhằm giới thiệu, đồng thời gián tiếp khẳng định chất lượng hàng hóa. Mặt khác, triển khai bán hàng qua mạng, phương thức tiêu thụ này đang khá hiệu quả.
Theo Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso), những năm gần đây, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai rầm rộ đã tác động nhiều đến tâm lý của người tiêu dùng. Sản phẩm da giày trong nước ngày càng được người tiêu dùng Việt ưu ái hơn, nhất là tại các thành phố lớn.
Theo ông Kiên, xu hướng ưu tiên lựa chọn sản phẩm nội có thương hiệu của người tiêu dùng trong nước ngày càng rõ nét và là điều kiện chín muồi cho các doanh nghiệp quay về phát triển thị trường nội địa.
Trên thực tế, việc phát triển thị trường nội địa về bản chất không khác biệt nhiều so với xuất khẩu. Theo ông Solustri Jordanp- Chuyên gia tới từ Italia - khâu nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm luôn là yếu tố cốt lõi. Thị trường nội địa với quy mô nhỏ, đơn hàng nhỏ, xu hướng tiêu dùng thay đổi rất nhanh đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển phù hợp. Doanh nghiệp cần làm mới sản phẩm, không nhất thiết phát triển những bộ sưu tập quá cồng kềnh với nhiều sản phẩm thay đổi sẽ tốn kém và không tạo được sự kích thích người tiêu dùng.
Cùng với đó, sử dụng công nghệ trong thiết kế cũng như phân phối; xây dựng thương hiệu và uy tín sản phẩm cũng là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường. Đặc biệt, “chất lượng, giá thành chưa phải là yếu tố quyết định. Câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm mới tạo nên sự khác biệt và hấp người tiêu dùng”- ông Solustri Jordanp nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đề xuất của Lefaso, để doanh nghiệp da giày có thể vững chân tại thị trường nội địa, Nhà nước cần có những chính sách thích hợp để minh bạch hóa thị trường; hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng song song với công tác truyền thông về nhận diện hàng thật, hàng giả. Mặt khác, sản phẩm của một số thương hiệu lớn trên thị trường nội địa hiện nay đang bị làm nhái, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp rất cần sự trợ giúp hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là lực lượng quản lý thị trường trong việc dẹp nạn hàng giả, hàng nhái.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương):
Tạo mối liên kết giữa nhà sản xuất thành phẩm và nguyên phụ liệu nhằm giải bài toán thiếu nguyên phụ liệu trong ngành da giày, hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh, vừa đứng vững trên thị trường nội địa, vừa hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm thuần Việt.
Nguồn: Hải Linh/Báo Công Thương điện tử