Theo ghi nhận của phóng viên tại chợ đầu mối An Đông (TP.HCM), hàng Việt Nam đang từng bước nâng dần vị trí cạnh tranh so với hàng Trung Quốc nhờ chất lượng và mẫu mã ngày càng được cải thiện. Tại chợ này, đã có nhiều sạp hàng tập trung bán các các sản phẩm giày dép của Việt Nam. Một số tiểu thương tại đây cho biết, mặc dù hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan bán tại chợ vẫn còn nhiều, tuy nhiên tỉ lệ hàng Việt Nam cũng ngày càng tăng tại các sạp hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhiều thương hiệu sản phẩm giày dép hàng Việt Nam người tiêu dùng trong nước ưa chuộng nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Có được điều đó là bởi chính các DN đã biết quan tâm hơn đến việc chăm sóc, nghiên cứu đáp ứng thị hiếu đa dạng của nhiều đối tượng khách hàng. 

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày túi xách TP. Hồ Chí Minh, nhận xét hàng Việt Nam đã có những bước tiến nhất định trong việc "chiếm" lại “sân nhà”. Những DN giày dép có chỗ đứng tại nội địa có thể kể tới như: Công ty Giày Viễn Thịnh, Công ty TNHH Giày Tuấn Việt, Công ty cổ phần Giày Việt…

Những đơn vị này đã mạnh dạn đầu tư về nhà xưởng, công nghệ hướng vào sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp, đồng thời nỗ lực triển khai các hoạt động nghiên cứu thị trường, tiếp thị để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại và truyền thống. Đơn cử như Công ty Giày Viễn Thịnh đã đầu tư 240 tỉ đồng xây dựng nhà máy hiện đại, có quy mô lớn tại TP. Hồ Chí Minh nhằm sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa.

Theo ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty Giày Viễn Thịnh, tiềm năng của thị trường nội địa còn rất lớn. Chỉ riêng đối với sản phẩm giày dép nữ, trung bình mỗi năm thị trường nội địa cũng tiêu thụ khoảng 54 triệu đôi giày nữ trong khi sản lượng của ngành giày nội địa khoảng 10 triệu đôi năm. Trong đó có một tỉ lệ không nhỏ là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng công ty chỉ chiếm khoảng 5 triệu đôi.

Tuy nhiên ông Linh cũng thừa nhận, để đứng vững ở thị trường nội địa không phải là việc dễ dàng vì ngoài việc phải đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng, chế độ bảo hành, các DN làm hàng nội địa còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất khốc liệt từ hàng ngoại nhập, hàng giả, hàng nhái. Do vậy, dù có tiềm lực nhưng đầu tư cho thị trường nội địa không phải DN nào cũng dám làm.

Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử