Máy nhập khẩu chiếm hơn 70%

Theo khảo sát của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) tại 92 cơ sở chế tạo máy nông nghiệp thuộc 15 tỉnh, thành phố đại diện cho 7 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, các DN công nghiệp chế tạo máy và thiết bị dùng trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông - lâm - thủy sản chủ yếu có quy mô nhỏ (53%) và siêu nhỏ (36%), DN vừa (4,5%) còn lại là các DN có số lao động hơn 300 người chiếm 6,5%. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 21% cơ sở có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng, gần 37% từ 1 - 5 tỷ đồng; 10% từ 5 - 10 tỷ đồng, chỉ có 17% cơ sở có doanh thu trên 20 tỷ đồng… Hiện tại, năng lực sản xuất, kinh doanh của các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp là rất nhỏ so với các lĩnh vực cơ khí chế tạo khác, đặc biệt so với các nước trong khu vực.

Chia sẻ tại Hội thảo Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp (CGHNN) và công nghệ chế tạo máy nông nghiệp diễn ra mới đây, PGS - TS. Chu Văn Thiện - Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch - cho biết, trên thị trường, máy móc nông nghiệp nhập khẩu từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… chiếm thị phần áp đảo lên tới gần 70%, trong khi đó các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ khiêm tốn với 15-20%, có một số loại máy tỷ lệ hàng nhập khẩu lên tới trên 90%.

Thiếu cơ chế vận hành chính sách

Ông Chu Văn Thiện lý giải, nguyên nhân của tình trạng trên là do thiếu cơ chế để vận hành chính sách, nhất là cơ chế tiếp cận nguồn vốn vay. Vì vậy, chỉ có 2/11 dự án thuộc Chương trình Cơ khí trọng điểm được giải ngân, hầu hết DN nhỏ và vừa chế tạo cơ khí nông nghiệp chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay từ Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, chưa có chính sách đủ sức hấp dẫn các DN chế tạo máy nông nghiệp đầu tư và phát triển. Vì vậy, tất cả danh mục sản phẩm và dự án đầu tư ban hành kèm theo Quyết định 10/2009/QĐ-TTg liên quan đến cơ khí phục vụ nông nghiệp đều không được triển khai…

Đồng quan điểm này, ông Bạch Quốc Khang- Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch - dẫn chứng: Trong 3 năm (2010 - 2013), cơ chế hỗ trợ của nhà nước cho CGHNN đã 3 lần thay đổi theo chủng loại máy. Về quy trình, thủ tục thực hiện chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước và ngân hàng đề ra quy trình, thủ tục rất chặt chẽ, gây khó khăn cho người dân tiếp cận chính sách. Ngoài ra, một trong những bất cập nổi cộm là nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế, dẫn đến địa phương phải hạn chế quy mô hỗ trợ. Để đẩy mạnh CGHNN trong thời gian tới, ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam- kiến nghị, cần xây dựng hoàn chỉnh các cơ chế đảm bảo vận hành hệ thống các chính sách khuyến khích thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng chính sách nhiều và đủ nhưng không vận hành được và thiếu khả thi. Bên cạnh đó, cần thực hiện quan điểm “coi đầu tư vào lĩnh vực cơ khí chế tạo như đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất”. Ngoài ra, cần tiến hành xây dựng Luật Thúc đẩy CGHNN Việt Nam.

Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam:

Nhà nước cần tham khảo Luật Thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… để xây dựng Nghị định về thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, tiến tới xây dựng Luật Thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam.

 

 Nguồn: Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương điện tử