Vốn nhỏ hiệu quả lớn
Chăn nuôi gà là một ngành chủ lực trong sản suất nông nghiệp. Mấy năm gần đây, nghề chăn nuôi gà đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Hùng Sơn là một trong những xã có số hộ chăn nuôi gà nhiều, quy mô lớn trong huyện Hiệp Hòa. Hiện nay, nhiều hộ đã chuyển sang hướng chăn nuôi gà theo mô hình trang trại khép kín. Số lượng trứng gà nhiều, hình thức ấp gà theo phương pháp thủ công không đáp ứng được số lượng gà giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Mặt khác khi ấp nở bằng hình thức thủ công có tỷ lệ lẫn giống, ấp nở con không cao.
Để hạn chế những nhược điểm từ việc ấp trứng thủ công, ông Võ Văn Minh - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Minh Thịnh Vượng- đã tìm hiểu và nghiên cứu thực tế tại một số mô hình sử dụng máy ấp nở trứng ở Hà Tây - Hà Nội, Phú Bình - Thái Nguyên... Việc sử dụng máy ấp trứng giúp tỷ lệ nở cao đạt tới 80 - 85 %, bảo đảm sức khỏe gà mái, tăng năng suất đẻ trứng; gà con nở đều, mau lớn, ít bệnh tật. Năng suất ấp nở cao, giảm thiểu số lượng trứng hỏng khi ấp bên ngoài, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Hợp tác xã nhận thấy cần phải ứng dụng máy móc, thiết bị vào ấp nở trứng gà. Do vậy, trong năm 2017, Hợp tác xã Chăn nuôi Minh Thịnh Vượng đã lập và triển khai Đề án “Đầu tư ứng dụng máy móc vào việc ấp nở trứng gà”; đề án được phê duyệt hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh. Dự kiến sau một năm áp dụng máy ấp nở trứng gà đi vào hoạt động và thiết bị kèm theo sẽ góp phần tạo lợi nhuận khoảng 300-500 triệu đồng. Năng suất lao động được nâng cao, do đó giá thành sản phẩm rẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng; phát triển ngành chăn nuôi gà theo hướng bền vững.
Tập trung cho công nghiệp nông thôn
Ông Ngụy Đình Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Giang - cho hay: Năm 2017, hoạt động khuyến công Bắc Giang tập trung nhiều vào mục tiêu áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm. Theo đó, tổng kinh phí khuyến công địa phương được phê duyệt 3 tỷ đồng, (riêng đợt 1 là 2,47 tỷ đồng) để thực hiện 24 đề án, trong đó: 9 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật; 2 đề án phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; 4 đề án tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; 3 đề án hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp…
Bên cạnh đó, với 600 triệu đồng kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017, Trung tâm đã triển khai thực hiện 3 đề án. Cụ thể: Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu” Công ty Cổ phần VINAHAN (xã Song Mai); “Hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất cát nhân tạo” cho Hợp tác xã Quốc Tuấn (xã Yên Định); “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất bao bì nhựa plastic (phường Thọ Xương).
Từ nguồn kinh phí khuyến công trung tâm cũng đã hỗ trợ những cơ sở CNNT có đề án thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như: Sản xuất gà giống (huyện Hiệp Hòa và Yên Thế); mỳ gạo Chũ (huyện Lục Ngạn); mật ong, cát nhân tạo (huyện Sơn Động). Qua đó, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn để tạo hạt nhân, lan tỏa trong các làng nghề và phát triển nghề mới du nhập vào nông thôn như: Mộc Đông Thượng, gốm Khuyến (huyện Yên Dũng)...
Cùng với phát triển CNNT, công tác xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường được Bắc Giang đặc biệt quan tâm bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đăng ký nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm; tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tổ chức hội nghị tiêu thụ sản phẩm cho các hàng hóa chủ lực của địa phương; các sản phẩm sau khi được hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu đều có thị trường tiêu thụ ổn định.
Việc bảo hộ thành công nhãn hiệu cho các sản phẩm sẽ giúp cơ sở CNNT thuận lợi trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân bố lại lao động từ thuần nông sang công nghiệp, giải quyết lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Với mục tiêu tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề có lợi thế để đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn 2015-2020, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động khuyến công gắn với khuyến khích phát triển các cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn.
Nguồn: Trà - Ngọc/Báo Công Thương điện tử