Địa phương đã mở lòng
Theo các chuyên gia, việc Chính phủ ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã tạo lực đẩy cho DN đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, việc phát triển nguyên phụ liệu ngành da giày trong nước vẫn là bài toán khó. Nguyên nhân, một phần do ngành này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nhân lực chất lượng cao nhưng vấn đề môi trường mới là thách thức lớn. Thực tế đã có không ít DN trong ngành “kêu trời” vì không thể tìm được địa phương chấp nhận dự án thuộc da.
Tuy nhiên, tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, đại diện hai tỉnh Hà Tĩnh và Thái Bình đã bày tỏ mong muốn đón nhận các dự án sản xuất da giày, bao gồm cả nguyên phụ liệu. Đây thực sự là tín hiệu vui với các DN trong ngành.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - cho biết: Tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh có cụm công nghiệp Lam Hồng, đã có một số DN nước ngoài đến tìm hiểu và có ý định đầu tư dự án sản xuất giày da tại khu vực này, tuy nhiên do chưa có quy hoạch nên không thể thực hiện. “Đề nghị Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch cụm công nghiệp thuộc da tại Hà Tĩnh để tỉnh có căn cứ xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư” - ông Hoàng Văn Quảng kiến nghị.
Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình - ông Vũ Ngọc Khiếu - cũng cho biết: Thái Bình có khoảng 20 DN sản xuất giày dép, túi xách, đóng góp trên 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thái Bình có quy hoạch khu công nghiệp ven biển Tiền Hải với diện tích 300 ha để thu hút các ngành dệt nhuộm, thuộc da. Nếu được đưa vào quy hoạch sẽ rất thuận lợi cho tỉnh xây dựng liên kết chuỗi để phát triển ngành này.
Nhưng không đánh đổi môi trường
Mặc dù sẵn sàng thu hút các dự án sản xuất nguyên phụ liệu da giày, song đại diện các tỉnh vẫn băn khoăn về vấn đề môi trường. Ông Vũ Ngọc Khiếu nhấn mạnh: Thái Bình sẵn sàng kêu gọi đầu tư nhưng không đánh đổi môi trường. Riêng với ngành da thuộc sẽ kiểm tra rất chặt về công nghệ sản xuất cũng như công nghệ xử lý nước thải. Đại diện Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng khẳng định: Tỉnh sẵn sàng hỗ trợ về hạ tầng, cơ chế chính sách cho các dự án da giày nhưng DN phải đặc biệt lưu tâm về công nghệ xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.
Trước lo lắng của các địa phương, ông Nguyễn Hải Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu da - giày - chia sẻ: Công nghệ thuộc da cũng như sản xuất nguyên phụ liệu trên thế giới hiện đã phát triển vượt bậc, không sử dụng kim loại nặng, công nghệ xử lý nước thải hiện đại cũng giảm áp lực lên môi trường.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho rằng: Cần phải có sự đồng thuận từ cấp Chính phủ cho đến địa phương để xây dựng các cụm công nghiệp chuyên ngành nhằm thuận lợi trong công tác quản lý, đạt hiệu quả kinh tế và tiết kiệm được chi phí cho DN. Nhà nước cũng cần có chính sách đặc thù hỗ trợ về vốn cho DN bởi đầu tư cho xử lý môi trường của ngành này rất tốn kém.
Theo Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành da - giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035, Bộ Công Thương đưa ra 3 kịch bản phát triển và lựa chọn kịch bản cơ sở với mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 43,97 tỷ USD, năm 2035 đạt 57,6 tỷ USD.

Nguồn:Việt Nga/Báo công thương điện tử