Thị trường VLXD tăng trưởng cao
Đây cũng là đánh giá của các đại biểu đưa ra tại hội thảo "Phát triển thị trường vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh và Ban quản lý Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 26/12.
Đánh giá về thị trường VLXD, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng cho biết, thị trường tiêu thụ VLXD cả nước năm 2018 tiếp tục có sự phát triển tốt. Tất cả các chủng loại VLXD chủ yếu cơ bản đã thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước. Đồng thời, một số sản phẩm VLXD đã tham gia vào thị trường xuất khẩu. Một số loại sản phẩm giữ vai trò chủ đạo đã có sự tăng trưởng tốt như xi măng, kính xây dựng… Cụ thể mặt hàng xi măng là 95 triệu tấn, gạch ốp lát trên 705 triệu m2, kính xây dựng 295 triệu m2, gạch không nung 7,1 tỷ viên.
Tuy nhiên, theo ông Bắc, các sản phẩm VLXD có sức tiêu thụ tốt chủ yếu tập trung tại những cơ sở, DN đầu tư dây chuyền, công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, cho ra những sản phẩm chất lượng cao, ổn định, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Ngược lại, những dây chuyền thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nguyên liệu, giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp rất khó cạnh tranh trên thị trường.
Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia ngành xây dựng cũng cho rằng, các loại VLXD mới, thân thiện với môi trường hiện tại và trong tương lai sẽ được sử dụng ngày càng phổ biến trong các công trình xây dựng. Hiện nay, ngành VLXD đã sản xuất được một số sản phẩm thông minh như xốp cách nhiệt, tấm lợp sinh thái, gạch bê tông nhẹ, tấm ốp đất sét nung, ngói tráng men, gỗ ốp tường xanh, xi măng xanh, gạch ốp lát tái chế... Đây là những sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh việc nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm VLXD mới thân thiện với môi trường thì các sản phẩm VLXD truyền thống như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, thép, kính... cũng cần phải có sự thay đổi về công nghệ sản xuất để tăng độ bền, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, xây lắp và đặc biệt là phải thích ứng với khí hậu tại nơi xây dựng công trình - Ông Bắc cho biết thêm.
Nhiều chính sách ưu đãi cho DN
Để khuyến khích các DN tập trung đầu tư sản xuất các chủng loại VLXD thân thiện môi trường, trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua nhiều chính sách phát triển VLXD mới, thân thiện môi trường như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010. Trong đó quy định “Sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học trong các công trình xây dựng”. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Qũy Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho Chính phủ Việt Nam để thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện. Mục tiêu của dự án là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam...
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định số 15/2017/QĐ - UBND các DN trên địa bàn thành phố khi đầu tư trang thiết bị sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sẽ được xem xét, hỗ trợ toàn bộ lãi suất (tối đa) trong vòng 7 năm. Thành phố cũng quy định các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, vốn vay nhà nước lớn hơn 30% giá trị công trình phải sử dụng các loại VLXD không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ 100%...
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết - với nhiệm vụ hỗ trợ các DN ngành xây dựng, sản xuất VLXD trên địa bàn thành phố phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững trong thời gian tới, ITPC sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm ngành VLXD như tổ chức và tham gia các sự kiện quảng bá sản phẩm chuyên ngành trong nước và khu vực, tổ chức đoàn khảo sát thị trường, tham quan công nghệ và sản phẩm mới tại một số nước nhằm học tập công nghệ mới, khuyến khích thu hút đầu tư công nghệ nâng cao giá trị sản phẩm VLXD theo hướng xanh, thân thiện môi trường.
Nguồn: Thảo - Minh/Báo Công Thương điện tử