Từ thế giới…
Trong khu vực ASEAN, đã có nhiều nước như Philipines, Thái Lan… đưa xăng sinh học vào sử dụng có hiệu quả khá tốt. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, để khuyến khích người dân sử dụng loại xăng này, cần phải áp dụng hai giải pháp là giá và biện pháp hành chính. Chẳng hạn, Thái Lan bắt đầu phân phối xăng sinh học từ năm 2004, ban hành quy định thay thế hoàn toàn xăng RON 91 thông thường bằng xăng 91 E10 và tiếp tục khuyến khích sử dụng các loại xăng E20, E85 từ tháng 12/2012.
Theo ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - ở mỗi quốc gia, tùy theo điều kiện mà đặt mục tiêu chính để phát triển nhiên liệu sinh học. Đơn cử, ở Brazil, để bảo đảm thay thế nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, Brazil đã đẩy mạnh chương trình phát triển sản xuất, sử dụng ethanol nhiên liệu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ở Brazil, xăng sinh học được sử dụng với rất nhiều tỷ lệ khác nhau, từ 25 - 85%. Với các quốc gia châu Âu, mục đích bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tạo đầu ra cho nông sản, phát triển nhiên liệu sinh học gồm xăng pha ethanol và dầu diezel pha với bio - diezel là chính sách bắt buộc.
Các quốc gia khu vực châu Á và Đông Nam Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia... đã ban hành những đạo luật, Nghị định quy định việc sử dụng nhiên liệu sinh học, trong đó có xăng pha với ethanol theo nhiều tỷ lệ khác nhau thường được gọi là: E5, E7, E10, E20, E25...
… Đến Việt Nam
Nhận thức được xu thế thời đại và lợi ích rõ ràng của nhiên liệu sinh học, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025" bằng Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg với mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học - một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, có những nơi, Chính phủ hỗ trợ trực tiếp vào giá lên tới 14 -15% cho người tiêu dùng ở thời điểm mới áp đặt. Có nước hỗ trợ thuế, phí, thậm chí cả tài chính cho các doanh nghiệp tham gia thị trường. Có một điểm chung, đó là hỗ trợ người dân hay doanh nghiệp thì cũng chỉ trong giai đoạn đầu.
Từ năm 2011, nước ta đã có chính sách sử dụng xăng sinh học E5 (gồm hàm lượng ethanol 5% và 95% xăng RON 92) thay thế cho xăng RON 92 truyền thống. Nhà nước đã có lộ trình thay thế hoàn toàn xăng RON 92 và tiến tới "xóa sổ" xăng RON 92 vào đầu năm 2018.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, có những tín hiệu tích cực về tiêu thụ xăng E5 tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2016 đạt khoảng 7,4 triệu m3, trong đó, xăng E5 khoảng 590.000 m3, chiếm 8% tổng lượng xăng tiêu thụ trên thị trường. Một số tỉnh, thành phố như: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ, xăng E5 đã thay thế 100% xăng khoáng RON 92. Kết quả này vượt xa so với mục tiêu "năm 2015, xăng E5 sẽ đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước" theo Quyết định 177/2007/QĐ-TTg.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, việc triển khai bán xăng sinh học đã được thực hiện rốt ráo. Theo số liệu của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hết tháng 8/2017, tại thành phố, có 240/533 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5; sản lượng tiêu thụ bình quân đạt trên 8.000 m3/tháng. Trên địa bàn Hà Nội, đến ngày 30/7/2017, toàn thành phố có 140/486 cửa hàng xăng dầu bán xăng E5, chiếm khoảng 28,8%. Sản lượng tiêu thụ xăng E5 đạt khoảng 15.000 m3/tháng, chiếm khoảng 13% tổng sản lượng tiêu thụ xăng toàn thành phố.
Nhiều năm trước đây, nước ta đã đạt được những bước quan trọng khi thay thế hoàn toàn xăng có chì vào năm 2001, đến năm 2014 cấm hoàn toàn xăng không chì A83. Như vậy, một chủ trương đúng sẽ được xã hội ủng hộ nếu kết hợp đồng thời nhiều biện pháp tuyên truyền, kinh tế, hành chính... Việc sử dụng xăng sinh học là xu thế chung, tăng hiệu quả kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, giảm dần phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường…
Để xăng sinh học có thể thay thế hoàn toàn xăng RON 92 từ năm 2018 theo lộ trình, cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng, mạng xã hội... Cùng đó, cần giảm giá bán xăng E5 để kích thích tiêu dùng, có biện pháp hành chính bắt buộc các cây xăng bán xăng E5 với tỷ lệ ngày càng nhiều hơn. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán xăng sinh học, nhằm bảo đảm chất lượng, hạn chế thấp nhất các sự cố có thể xảy ra...
Việc sử dụng xăng sinh học phổ biến còn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, bởi nguồn gốc loại xăng này có một phần đáng kể từ một số loại nông sản.
Nguồn: Anh Việt/Báo Công Thương điện tử