Theo Bộ Công Thương, nguồn cung xăng sinh học E5 hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường khi thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92.

* Kết quả Đề án phát triển nhiên liệu sinh học
Với mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngày 20-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”;Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22-11-2012 về việc phê duyệt ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (Lộ trình).
Sau gần 10 năm Quyết định 177/2007/QĐ-TTg và 2 năm thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, kết quả chính cho thấy các mục tiêu của Quyết định 177/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, hình thành và phát triển ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học, năng lực sản xuất cồn nhiên liệu đã đạt được và một số chỉ tiêu vượt mục tiêu.
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ đáp ứng được nhu cầu quản lý của một ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học mới hình thành. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, định mức hao hụt... đã được ban hành đầy đủ để phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng E5, E10. Chất lượng sản phẩm xăng E5 được kiểm soát tốt, không xảy ra khiếu nại của người tiêu dùng trong suốt thời gian qua.
- Năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của các cơ sở sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu phối trộn để thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 theo lộ trình đã đề ra.
- Tổng lượng xăng E5 bán ra trên toàn bộ các địa phương trong cả nước từ tháng 12-2015 đến hết tháng 10-2016 là 630876 m3, chiếm khoảng 12,15% so với tổng lượng xăng khoáng RON 92; 9,21% so với tổng lượng xăng khoáng. Tổng lượng xăng khoáng còn chiếm khoảng 66,59% %. Xu thế sử dụng xăng E5 có chiều hướng tăng dần thể hiện ở lượng xăng E5 tiêu thụ đạt khoảng 50.000m3/tháng, chiếm 12,18% so với tổng lượng xăng khoáng RON 92. Về số cửa hàng kinh doanh xăng dầu có bán xăng E5 đạt 1.283 cửa hàng chiếm 10,07% so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong đó có những tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ đạt tỷ lệ 100%.
* Nguồn cung khá dồi dào
Để đạt được mục tiêu đưa xăng E5 ra thị trường thay thế dần xăng khoáng A92, đồng thời thực hiện Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Thông báo kết luận số 255/TB-VPCP ngày 6-6-2017 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống: Kể từ ngày 1-1-2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 và xăng khoáng RON 95.
Theo Bộ Công Thương, năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu (cồn E100) của các cơ sở sản xuất trong nước đã bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu phối trộn để thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 theo lộ trình.
Với góc độ phân phối xăng dầu, trong tổng số 29 đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện có 26 đầu mối kinh doanh xăng dầu mặt đất (3 đầu mối chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không). Trong số này, có 5 thương nhân có hệ thống phối trộn xăng E5 đang hoạt động là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội và Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu.
Petrolimex hiện có 5 trạm trộn xăng E5 đặt tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ; sử dụng công nghệ trộn in-line liên tục. Tổng công suất 5 trạm trộn nói trên đạt 1,055 triệu m3/năm. Petrolimex cũng đang nâng cấp một số trạm trộn hiện có và đầu tư thêm các trạm trộn tại Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tổng công suất phối trộn sau khi nâng cấp và đầu tư thêm đạt khoảng 3 - 3,4 triệu m3/năm.
Tại PV Oil, hiện có 12 trạm trộn xăng E5 đặt tại 9 tỉnh, thành phố. Tổng công suất của 12 trạm trộn này đạt khoảng 89.000 m3/tháng, tương đương khoảng 1,068 triệu m3/năm. PV Oil cũng đang đầu tư thêm các trạm trộn tại Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ, nâng tổng số lên 17 trạm trộn. Sau khi cải tạo, nâng cấp và đầu tư thêm, năng lực cung cấp xăng E5 của PV Oil đạt 1,668 triệu m3/năm.
Saigon Petro cũng có 2 trạm trộn xăng E5 đặt tại TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ với tổng công suất 660.000 m3/năm. Tổng công ty Xăng dầu Quân đội có 3 trạm trộn xăng E5 tại Hải Phòng, Đà Nẵng và Nha Trang, công suất khoảng 108.000 m3/năm. Còn Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu có 1 trạm trộn xăng E5 tại Cần Thơ với công suất 72.000 m3/năm.
Ngoài ra, còn có hai thương nhân khác đã triển khai trạm trộn, nhưng chưa đưa vào hoạt động là Công ty TNHH một thành viên Thương mại dầu khí Đồng Tháp với 2 trạm trộn tại Đồng Nai và Cần Thơ, tổng công suất khoảng 172.800-230.400 m3/năm. Còn Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ đã đầu tư 2 trạm trộn tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, với tổng công suất khoảng 576.000 m3/năm.
Như vậy, tổng công suất các trạm trộn xăng đạt khoảng 6,2-6,7 triệu m3/năm. Con số này lớn hơn so với mức dự báo tổng lượng xăng E5 tiêu thụ trên cả nước ước đạt 5,357 triệu m3 khi thay xăng khoáng RON 92 (một số người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng khoáng RON 95), từ kết quả này cho thấy, nguồn cung xăng E5 khá dồi dào.
* Tiếp tục có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Từ tình hình triển khai thực hiện như trên, Bộ Công Thương hoàn toàn tin tưởng, nguồn cung xăng E5 có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường khi thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92 kể từ ngày 1-1-2018.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện và cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Phạm Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, lượng tiêu thụ xăng E5 trong thời gian vừa qua chưa đạt được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách chưa quyết liệt, sản xuất gặp khó khăn.
Theo ông Thắng: “Để có thể triển khai bán đồng bộ xăng E5 vào đầu năm 2018, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích hơn nữa đối với doanh nghiệp, trong đó, cần đặt vấn đề giá lên hàng đầu, bởi doanh nghiệp kinh doanh phải gắn với hiệu quả. Đối với người tiêu dùng, mức chênh lệch giữa E5 và các loại xăng khác cần tạo ra sự hấp dẫn, để người tiêu dùng lựa chọn”.
Bên cạnh đó, Petrolimex cũng cho rằng, phí kinh doanh đối với mặt hàng xăng E5 hiện nay vẫn cao hơn so với xăng khoáng khoảng 150 đồng/lít. Trong khi đó, E100 (ethanol - nhiên liệu sinh học dùng để phối trộn) mới chỉ sản xuất được 200.000 m3/ năm. Chính vì vậy, cần ổn định nguồn nguyên liệu, điều chỉnh thuế nhập khẩu E100 để các doanh nghiệp trong nước không độc quyền; bảo đảm khi trong nước có vấn đề sẽ nhập khẩu để kinh doanh ổn định.
Tổng Giám đốc Saigon Petro Trần Thế Truyền kiến nghị Bộ Công Thương cần tạo khoảng cách giá bán lẻ giữa xăng khoáng RON 95 và xăng E5 - chênh lệch ít nhất 1.500 đồng/lít, áp dụng thuế môi trường xăng RON 95 cao hơn hiện hành 1.000 đồng/lít và giữ nguyên thuế môi trường đối với xăng E5 như hiện nay. Vấn đề quan trọng khác là quản lý giá và đảm bảo nguồn cung ethanol; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối về giá nguyên liệu ethanol để giảm giá thành.
Nguồn: Đàm Trung/TTXVN (tổng hợp)/bnews.vn