Tại Kỳ họp, hai Bên đã trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động. Hai Bên đã trao đổi các định hướng và giải pháp để tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa hai nền kinh tế, giúp mở rộng thị trường cho sản phẩm xuất khẩu của nhau, tranh thủ thế mạnh và nguồn lực của mỗi nước để bổ sung cho nhu cầu phát triển của mỗi nước.
Một số vấn đề cụ thể được hai Bên nhất trí bao gồm: đẩy nhanh đàm phán tiến tới ký Hiệp định giữa hai Chính phủ về Hợp tác và Hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan; gia hạn việc thực hiện kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp cho giai đoạn 2020-2022; thống nhất kế hoạch thực hiện giai đoạn 2020-2022 của MOU về hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy hải sản; rà soát và thực hiện đầy đủ các Thỏa thuận/Hiệp định đang có hiệu lực để hỗ trợ thương mại phát triển như: Hiệp định Hợp tác hàng không, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; tăng cường việc hợp tác trong lĩnh vực dệt may, chế tạo máy công nghiệp.
Trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, hai Bên nhất trí thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham dự các hoạt động Hội chợ/triển lãm ở hai nước; tổ chức các đoàn mua hàng/khảo sát/nghiên cứu thị trường trong các lĩnh vực mà hai Bên cùng quan. Bên cạnh đó, hai Bên nhất trí xem xét tổ chức chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại ở Việt Nam và Sri Lanka trong năm 2020 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai Bên cũng thống nhất tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực khác như đầu tư, y tế, du lịch, thúc đẩy đường bay thẳng nhằm hỗ trợ phát triển thương mại, du lịch.
Nhìn chung, hai Bên nhất trí hợp tác để không chỉ tăng cường thương mại thuần túy ở hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Quan trọng hơn, hai Bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để cùng tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn về thương mại, đầu tư, nông nghiệp, v.v.. giữa hai Bên để cùng nhau tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, hướng tới sự phát triển bền vững của thương mại song phương.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam – Sri Lanka đạt 301 triệu USD năm 2018, giảm 4,8% so với năm 2017, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 204,1 triệu USD, giảm 9,6%, kim ngạch nhập khẩu đạt 96,9 triệu USD, tăng 6,1% so với năm 2017. Trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Sri Lanka đạt 155,8 triệu USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Hiện nay, Sri Lanka là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại khu vực Nam Á.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi
Nguồn: Moit.gov.vn