Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán – người thứ hai, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã trình bày tổng quan về ngành xây dựng và sản xuất vật liệu tại Việt Nam. Trong đó, Việt Nam đang tập trung phát triển và ứng dụng các loại vật liệu xây dựng theo hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050 với quan điểm phát triển bền vững ngành này; ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất vật liệu; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.
Ấn Độ với lợi thế về điều kiện tự nhiên có nhiều mỏ đá Granite & Marble, cùng công nghệ khai thác và chế biết là nguồn cung cấp vật liệu xây dựng tốt cho Việt Nam. Ngành vật liệu xây dựng chiếm khoảng 8% GDP của Ấn Độ và dự kiến đạt 700 tỷ USD vào năm 2022.
Việt Nam và Ấn Độ có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu và đào tạo nghề xây dựng có thể bổ sung cho nhau. Thị trường hai nước cũng còn nhiều tiềm năng cho trao đổi thương mại trong lĩnh vực này.
Tại buổi giao thương, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại đã trao đổi, giải đáp các câu hỏi của đại biểu về thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam - Ấn Độ, chính sách thu hút đầu tư của mỗi nước. Trong thời gian qua, Thương vụ tại Ấn Độ đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp đá Granite và Marble tại Ấn Độ.
Giao thương trực tuyến là cơ hội để kết nối các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đá Granite & Marbles, gạch lát nền, gạch trang trí của Ấn Độ với các đối tác Việt Nam trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Ấn Độ.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nê pan, Bu-tan)
 
 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương