“Lực đẩy” từ cuộc vận động

Thông tin đưa ra tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2017 do Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ cho biết, những năm vừa qua, cùng với các giải pháp vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt, CVĐ còn tập trung tuyên truyền để các DN nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đồng thời, liên kết tiêu thụ các sản phẩm có chất lượng.

Đơn cử, chỉ tính riêng trong năm 2016, Hiệp hội DN vừa và nhỏ đã tổ chức nhiều hoạt động như triển khai “Quy trình xác thực chống hàng giả” tại Công ty Cổ phần (CP) khóa Việt Tiệp và Công ty CP Dịch vụ thương mại du lịch quốc tế Ngôi sao VIC, bước đầu cho kết quả tốt. Hiệp hội cũng tổ chức hội chợ “Tự hào hàng Việt Nam” tại Cung thể thao Quần Ngựa (Ba Đình, Hà Nội), thu hút nhiều DN tham gia. Đặc biệt, không chỉ trưng bày hàng hóa, trong khuôn khổ hội chợ còn diễn ra nhiều buổi hội thảo, tọa đàm nhằm giúp DN có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Với Bộ Công Thương, để tuyên dương các DN có thành tích trong việc sản xuất các sản phẩm có chất lượng, năm 2016, Bộ đã vinh danh 88 DN đạt Thương hiệu quốc gia. Đồng thời xử lý nghiêm 102.000 vụ buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, vừa thu nộp ngân sách Nhà nước gần 600 tỷ đồng, vừa bảo vệ các DN sản xuất hàng chính hãng.

Cũng nhằm hỗ trợ các sản phẩm hàng Việt có chất lượng, năm 2016, Đảng ủy Khối các DN Trung ương đã vận động các DN, ngân hàng trong khối ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau. Đã có 101 lượt ký kết ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, sản xuất nông lâm nghiệp, giao thông vận tải… được thực hiện bởi 25 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối.

Nhờ các giải pháp trên, CVĐ đã giúp DN nâng cao ý thức, không ngừng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, bảo đảm sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng theo các chuyên gia, hàng Việt Nam vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan và nhiều quốc gia khác. Nguyên nhân là mẫu mã sản phẩm Việt còn khá đơn điệu, không đa dạng về chủng loại, giá thành cao.

Để hỗ trợ DN, năm 2017, Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN như tổ chức chương trình “Sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt - VIBrand lần thứ V; Chương trình nhận diện hàng Việt Nam trên quy mô toàn quốc. Hệ thống tiêu thụ hàng hóa trong nước, trong đó đặc biệt là các Điểm bán hàng Việt Nam cũng sẽ tiếp tục được mở rộng nhằm hỗ trợ người nông dân, DN tiêu thụ sản. Hội chợ “Tự hào hàng Việt Nam và sản phẩm truyền thống” sẽ được tổ chức với nhiều quy mô khác nhau nhằm kéo gần hơn nữa khoảng cách giữa DN và người tiêu dùng. Cũng trong năm 2017, Chính phủ chọn 3 nhóm mặt hàng thép, thịt gà, phân bón để điều tra chống bán phá giá nhằm bảo vệ sản phẩm nông sản được sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa:

Bên cạnh những hỗ trợ của nhà nước, để hàng Việt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, DN Việt Nam cần đầu tư nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt. Người tiêu dùng sẽ chọn mua sản phẩm Việt nếu sản phẩm đó thực sự tốt, giá phải chăng. Để làm được điều này, DN phải giữ vai trò cốt lõi.

Nguồn: baocongthuong.com.vn