Về tổng thể, triển vọng tăng trưởng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) khả quan với tốc độ bình quân hàng năm dự kiến đạt hơn 5% trong 5 năm tới. ASEAN đã ưu tiên phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) để đạt được tăng trưởng cân bằng, toàn diện và bền vững vì các doanh nghiệp này chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp trong khu vực.

ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới với tổng GDP năm 2015 đạt 2,43 nghìn tỷ USD. Trong 10 năm tới, ASEAN kỳ vọng vượt qua Vương quốc Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Các SME được coi là “xương sống” của nền kinh tế ASEAN. Theo báo cáo của Ban Thư ký ASEAN, các doanh nghiệp chiếm 52-97% tổng số lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ trong tổng xuất khẩu vẫn nhỏ (chỉ 10-30%), có nghĩa là cần phải tăng cường vai trò của SME trong hội nhập kinh tế ASEAN.

Kế hoạch Hành động chiến lược ASEAN về Phát triển SME đưa ra 5 chiến lược then chốt: Nâng cao năng suất, công nghệ và đổi mới; gia tăng tiếp cận tài chính; nâng cao tiếp cận thị trường và quốc tế hóa; củng cố chính sách và môi trường hành chính; thúc đẩy phát triển doanh nhân và nguồn nhân lực.

Nhiều nghiên cứu phân tích cũng chỉ ra rằng, hầu hết SME trong khu vực đều chưa được trang bị đầy đủ để ứng phó với thực tế kinh doanh mới trong AEC và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). AEC là một thị trường hội nhập và cơ sở sản xuất thống nhất với hơn 620 triệu dân, có thể mở rộng với hơn 3 tỷ người khi RCEP hình thành. Cả AEC và RCEP đều mang lại nhiều cơ hội cho SME, cho phép các doanh nghiệp hiện thực hóa quy mô của các nền kinh tế và gia tăng sự tham gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Các SME vẫn sẽ đối mặt với sự cạnh tranh từ các tập đoàn đa quốc gia và hàng nhập khẩu giá rẻ. Việc cải thiện năng suất và công nghệ sẽ giúp SME hội nhập với các mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng có những thách thức trong việc thúc đẩy năng suất của các SME ASEAN.

Năng suất lao động bình quân (GDP bình quân) ở ASEAN chỉ tương đương 31% của năng suất lao động ở Hoa Kỳ năm 2015. Vì vậy, cần đào tạo chuyên môn hóa hơn trong các SME của ASEAN để giúp nâng cao năng suất lao động lên mức có thể trở thành nhà cung ứng chất lượng trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Việc thiếu một cách tiếp cận chiến lược đối với chính sách đổi mới cho SME là một trong những trở ngại đối với phát triển SME của ASEAN. Vấn đề bảo hộ và thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng băng thông rộng và các khu công nghiệp, khuyến khích tài chính trong nghiên cứu và phát triển công nghệ là các biện pháp chính sách phải được thể chế hóa nhằm phát triển năng lực đổi mới của SME.

Vấn đề tiếp cận tài chính là mối quan tâm lớn cho SME của ASEAN. Hiện nay đang tồn tại một khoảng cách lớn trong tiếp cận tài chính ở các nước thành viên ASEAN kém phát triển khi so sánh với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia hoặc Philippines. Bên cạnh đó là các yêu cầu hành chính nặng nề, mà theo Ngân hàng Thế giới, trung bình mất 47 ngày cho 13 thủ tục để bắt đầu hoạt động kinh doanh ở Indonesia, trong khi mất 73 ngày cho 6 thủ tục ở Lào. Còn ở Singapore, chỉ cần 3 ngày để hoàn tất 3 thủ tục và nộp tờ khai điện tử trực tuyến cho một cơ quan thống nhất. Như vậy, quy trình đăng ký doanh nghiệp phải được đơn giản hóa ở ASEAN.

Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và doanh nghiệp là cần thiết cho SME để thành công. Các chương trình đào tạo doanh nhân giúp trang bị cho SME các phương thức quản lý và kinh doanh cải thiện. Một trong những sáng kiến của Kế hoạch Hành động chiến lược ASEAN về Phát triển SME hướng tới thiết lập môi trường chung cho doanh nhân trong khu vực thông qua chương trình đào tạo hiện đang triển khai ở các trường đại học ASEAN. ASEAN phải thực thi hiệu quả chính sách phát triển SME sẽ tăng cường hợp tác khu vực trong các nước thành viên. Điều này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế và hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: Báo công thương

 

Nguồn: Báo Công thương điện tử