TS. Trần Du Lịch cho rằng, quan tâm SME không phải vì cộng đồng DN này yếu thế mà phải xem phát triển SME là chiến lược quan trọng của quốc gia trong phát triển.

Theo ông Lịch, trong thời gian tới nếu có điều kiện tốt để Luật Hỗ trợ SME chính thức đi vào cuộc sống cần phải trú trọng đến hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Bởi hiện nay cả nước có 550 ngàn DN đăng ký nhưng có 3 triệu hộ sản xuất kinh doanh không đăng ký hình thức hoạt động DN, riêng TP. Hồ Chí Minh có gần 300 ngàn hộ nhỏ và siêu nhỏ.

Còn ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội SME Việt Nam cho biết, hiện nay có quá nhiều bằng chứng chứng minh khu ngoài DN phải chịu chi phí không chính thức cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Sắp tới nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Hỗ trợ SME để đáp ứng các điều kiện tiếp cận nguồn hỗ trợ cho đối tượng này, đồng thời giảm một lượng lớn chi phí không chính thức. Hỗ trợ tốt các hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN sẽ tăng cao, thay vì tỷ lệ tăng trưởng khoảng 25% như hiện nay.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, Luật Hỗ trợ SME hướng đến các hộ kinh doanh cá thể thì việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh hoàn toàn đơn giản. Từ đó tạo ra một cộng đồng DN lớn mạnh và mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN là không quá khó.

Theo đại biểu tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Thanh, thời gian qua SME tiếp cận rất thấp các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Cụ thể, thấp nhất là 2% cao là 21%, tỷ lệ thụ hưởng nhiều nhất là 15%. SME phải được thụ hưởng ở mức cao hơn và không nên xem đây là quyền lợi DN mà chính là trách nhiệm của nhà nước. Thiết nghĩ, phải tập cải cách thủ tục hành chính, đất đai, tín dụng, thuế, hỗ trợ liên quan đến phát triển công nghiệp…

Đại biểu Nguyễn Văn Thanh nêu quan điểm: DN đang trông chờ sự hỗ trợ về chính sách mà cụ thể là thủ tục hành chính hơn là vốn đầu tư. Thiếu vốn DN có thể xoay xở được, còn thủ tục nhiêu khê, lằng nhằng hành lên hành xuống sớm muộn gì DN cũng bỏ “cuộc chơi”.

Liên quan đến dự thảo Luật Hỗ trợ SME, Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, nhận thức rõ ý nghĩa thực tế của các chính sách hỗ trợ DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là đơn vị chù trì lấy ý kiến cho dự thảo Luật Hỗ trợ SME. Các đơn vị đã nghiên cứu kỹ đâu là hành lang pháp lý phù hợp với định chế thế giới, thông lệ cũng như tập quán quốc tế. Bởi chúng ta không thể ban hành luật hỗ trợ rồi để DN vướng vào các vụ kiện bán phá giá hay vướng vào việc trợ giá cho DN không đúng quy định sân chơi chung. Việc thực hiện luật này sẽ có nhiều Bộ ngành khác cùng tham gia và giám sát các hoạt động như thanh tra chính phủ, kiểm toán nhà nước, hiệp hội, DN… nhằm đảm bảo tính khách quan.

Cũng theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, dự thảo Luật Hỗ trợ SME sẽ lấy DN là đối tượng phục vụ. Đây là cách tiếp cận mới hiện nay khi quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thông qua hình thức kiến tạo. Hy vọng, khi dự thảo Luật Hỗ trợ SME được thông qua sẽ tạo điều kiện cho DN phát triển hơn. 

Nguồn: Báo Công thương

 

Nguồn: Báo Công thương