Theo phê duyệt của Chính phủ về tỷ lệ sở hữu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trước đây, tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng là từ 65% đến 75%, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn là từ 50% đến dưới 65%. Thực tế này khiến 2 cảng biển lớn nhất cả nước rất khó thu hút các nhà đầu tư lớn.

Vì vậy, tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án tổng thể phát triển hệ thống cảng biển do Vinalines nắm giữ sau tái cơ cấu, Thủ tướng chấp thuận cho Vinalines giảm tỷ lệ sở hữu tại 2 cảng biển này xuống còn 20%.

Hiện tại, Vinalines đang nắm giữ 64% vốn điều lệ tại Cảng Sài Gòn và nắm 94,68% vốn điều lệ của Cảng Hải Phòng.

Ba nhà đầu tư chiến lược hiện quan tâm đến Cảng Hải Phòng gồm Tập đoàn Vingroup, Quỹ đầu tư Quốc vương Oman (SGRF) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Về phía Cảng Sài Gòn, 2 nhà đầu tư chiến lược là VietinBank và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), sau khi Vingroup không tham gia mua cổ phần tại càng biển này.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư của Tập đoàn Vingroup mới đây, bà Nguyễn Thị Dịu - Phó TGĐ cho biết, theo lộ trình thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước chỉ cho thoái vốn dần dần, mỗi lần vài chục phần trăm, không phù hợp với nguyện vọng và yêu cầu của Tập đoàn.

Đây là nguyên nhân Vingroup không còn tham gia thương vụ mua cổ phần Cảng Sài Gòn.

Minh Tú

Xem thêm: Cảng Sài Gòn 28/9 họp ĐHCĐ, muốn niêm yết cổ phiếu ngay sau khi cổ phần hoá