Dấu ấn trên những công trình

Trải qua 56 năm xây dựng và phát triển, tổng công ty đã ghi đậm dấu ấn của mình trên khắp các công trình trọng điểm của cả nước. Đến nay, LILAMA đã hoàn thành và bàn giao hàng nghìn công trình lớn nhỏ trong các lĩnh vực điện, hóa chất, xi măng, lọc hóa dầu… góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, quốc phòng của đất nước như: Thủy điện Hòa Bình, Trị An, Sơn La, Khí điện Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2, Dự án Nhà Quốc hội, Lọc dầu Dung Quất…

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, LILAMA tiếp tục thực hiện tổng thầu EPC các nhà máy lớn như Nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhiệt điện Thái Bình 2, tham gia xây lắp các công trình Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủy điện Lai Châu, Nhiệt điện Thái Bình 1&2, nhiệt điện Vĩnh Tân, Long Phú, Duyên Hải…

Tại Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, đến nay, các đơn vị trên công trường đã lắp đặt được 2.340 tấn /22.000 tấn thiết bị. Ngày 29/11/2016, LILAMA tiến hành khởi công lắp đặt lò hơi tổ máy số 2 của nhà máy. Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành từ năm 2019, nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kwh/năm.

Với dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, để bảo đảm hoàn thành khối lượng công việc đã ký kết với đối tác, LILAMA huy động 14 đơn vị tham gia thi công lắp đặt. Đến thời điểm hiện tại, LILAMA đã hoàn thành hơn 95% khối lượng công việc tại nhà máy. Các gói thầu đang trong giai đoạn hoàn thiện để bàn giao cho tổng thầu chạy thử trong quý I/2017.

Tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu, Công ty Cổ phần Lilama 10 (thành viên LILAMA) tham gia lắp đặt 3 tổ máy cùng nhiều hạng mục khác. Ngày 9/11/2016, tổ máy số 3 - tổ máy cuối cùng của nhà máy đã được Lilama 10 hòa lưới điện quốc gia thành công. Nhà máy thủy điện Lai Châu đã hoàn thành và đi vào hoạt động sớm hơn 1 năm so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tiết kiệm chi phí, làm lợi cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Vươn lên làm tổng thầu EPC

Năm 2015, LILAMA đã hoàn thành và bàn giao Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 trong điều kiện vốn và thi công cực kỳ khó khăn. Tại buổi lễ khánh thành nhà máy, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh: “Việc xây dựng thành công Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có ý nghĩa bước ngoặt bởi đây là nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy lớn nhất Việt Nam, công nghệ tiên tiến hiện đại, sử dụng than trong nước là chính. Tôi đánh giá cao nỗ lực của người lao động, kỹ sư, công nhân LILAMA trong thời gian qua đã vượt qua rất nhiều khó khăn, hoàn thành dự án. Đây cũng là dự án đầu tiên chủ đầu tư, tổng thầu đều là DN trong nước. Điều đáng mừng là đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam trưởng thành, có thể tự làm được các nhà máy điện thủy điện, nhiệt điện, khí điện. Việt Nam từ chỗ thiếu điện, đến nay đã có thừa công suất 20 - 25% để dự phòng. Đặc biệt là LILAMA đã trưởng thành lên rất nhiều. Các dự án do LILAMA thực hiện đều rẻ hơn nhà thầu nước ngoài làm tới hàng trăm triệu USD. Riêng tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 rẻ hơn khoảng 800 triệu USD”.

Ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc LILAMA - cho biết: Tại dự án này, LILAMA đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm quản lý từ các dự án EPC trước đó. Lực lượng điều hành dự án của LILAMA đã đảm nhận hầu hết phần việc quan trọng trong chuỗi, từ lập kế hoạch chạy thử, điều động chuyên gia đến chạy thử từng hệ thống công nghệ...

Trước đó, trong vai trò tổng thầu EPC, LILAMA bàn giao cho chủ đầu tư vận hành an toàn, ổn định các nhà máy: Nhiệt điện Cà Mau 1&2 tổng công suất 1.500 Mw, Nhiệt điện Nhơn Trạch 1&2. Đặc biệt, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 đã đạt giải Vàng duy nhất về lĩnh vực “Dự án nhà máy điện được xây dựng nhanh nhất” trong khuôn khổ hội chợ triển lãm thường niên Điện lực Châu Á diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), nơi có sự tham gia của nhiều tập đoàn và các hãng sản xuất lớn trên thế giới về lĩnh vực điện lực như: ABB, Alstom, Siemens… Đây là giải thưởng có uy tín nhất hàng năm về lĩnh vực điện lực dành cho các công trình, dự án, các nhà máy điện tiêu biểu tại châu Á. Lần đầu tiên, một công ty của Việt Nam cũng như của khu vực đạt được giải thưởng uy tín này bởi từ trước đến nay, giải thưởng này chỉ được trao cho các tập đoàn, các nhà sản xuất lớn hàng đầu thế giới.

Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đó là chỉ đạo xuyên suốt của Tổng giám đốc Lê Văn Tuấn từ tổng công ty tới các đơn vị thành viên. Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo này, các đơn vị trong tổng công ty đã có những chuyển biến nhanh nhạy với thời cuộc, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đem lại thành quả tích cực.

Câu chuyện thành công trong công tác chủ động tham gia vào chuỗi toàn cầu của Công ty Cổ phần Lilama 18 là một ví dụ. Năm 2016, Lilama 18 đạt tổng doanh thu khoảng 1.458 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu thiết bị chiếm khoảng 30%. Xuất khẩu thiết bị cho các nước trong khu vực G7 đã và đang là một “thương hiệu” của Lilama 18. Từ năm 2010 đến nay, Lilama 18 đã tham gia chế tạo xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như: Chế tạo thiết bị cẩu trục cho hãng Kocks (CHLB Đức), thiết bị lò cán thép nguội cho đối tác Danieli (Italia)… Đây đều là các DN nổi tiếng trên thế giới trong các lĩnh vực này.

Công ty Cổ phần Lilama 10 là đơn vị có thế mạnh trong việc lắp đặt các nhà máy thủy điện, từ 3,4 năm nay đã chuyển hướng sang gia công, chế tạo, lắp đặt thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, lọc hóa dầu, hóa chất cùng một số hoạt động khác. Hiện tại, với nhà máy nhiệt điện, Lilama 10 đã đảm nhiệm được công tác lắp đặt thiết bị lò - là hạng mục khó nhất của nhà máy nhiệt điện. Đến nay, Lilama 10 đã lắp đặt thành công thiết bị lò của Nhà máy điện Mông Dương 1, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và tới đây sẽ là Dự án điện Sông Hậu 1.

Tương tự, Công ty Cổ phần Lilama 69-1 cũng là một trong những đơn vị năng động trong việc tìm kiếm các hợp đồng xuất khẩu. Tháng 2/2016, đơn vị đã ký hợp tác với Công ty ENEXIO (Mỹ) về dự án gia công, chế tạo, cung cấp hơn 2.000 tấn ống duct cho hệ thống đường ống của thiết bị trao đổi nhiệt của dự án Nhà máy Nhiệt điện Greensville County Power Station tại Mỹ (dự án GEA)…

“Những thành công trên cho thấy, thực tế nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước chưa biết tận dụng, hay nói khác là không đáp ứng được, không phải là do trình độ mà do cách làm việc chưa chuyên nghiệp. Chưa chuyên nghiệp dẫn tới sản phẩm không ổn định, giao hàng không đúng hẹn, uy tín không cao. Như vậy, phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi kêu cơ chế khó, thị trường hẹp, nên tạo dựng uy tín thương hiệu của mình bằng chất lượng sản phẩm và chủ động tìm đơn hàng, chủ động vươn ra, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” - Tổng giám đốc Lê Văn Tuấn chia sẻ.

Các dự án do LILAMA thực hiện đều có chi phí thấp hơn so với nhà thầu nước ngoài hàng trăm triệu USD. Riêng dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 rẻ hơn khoảng 800 triệu USD.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử