Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa có báo cáo phân tích ngành đường Việt Nam trước hội nhập TPP. Quan điểm của VCSC là ngành đường có triển vọng kém khả quan khi tiến trình hội nhập không thể chờ đợi.

Theo VCSC, ngành được được bảo hộ nhưng vẫn bị cạnh tranh khốc liệt do nhập lậu và gian lận thương mại. Lượng đường nhập lậu và gian lận lên tới 500.000 tấn/năm, tương đương khoảng 1/3 lượng sản xuất trong nước. Quy mô sản xuất nhỏ, cơ giới hóa sản xuất kém, giống mía năng suất thấp, kỹ thuật canh tác kém cũng là nguyên nhân giảm mức độ cạnh tranh.

Đặc biệt, vấn đề về vùng nguyên liệu của mía đường đáng được quan tâm khi VCSC cho rằng, diện tích vùng nguyên liệu mùa vụ 2015-2016 giảm mạnh do người nông dân chuyển đổi cây trồng, sản lượng mía bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Đưa ra ý kiến phân tích, VCSC cho rằng trong ngắn hạn, giá đường thế giới đi vào hồi phục và có thể tiếp tục đà tăng do nguồn cung suy giảm. Giá đường hiện đã tăng trở lại 30% so với mức đáy hồi tháng 8 năm nay. Giá đường thế giới tăng sẽ làm hạn chế lượng cung từ nhập lậu và gian lận thương mại, từ đó thúc đẩy gia tăng sản lượng tiêu thụ đường sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, chuyên viên phân tích VCSC lo ngại diện tích vùng nguyên liệu đang suy giảm sẽ gây thiếu nguyên liệu sản xuất và giảm sản lượng sản xuất, tiêu thụ, đồng thời giá thành sản xuất tại các nhà máy tăng cao hơn.
VCSC đồng thời đánh giá, Dự thảo Nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường đang được Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mía đường Việt Nam lấy ý kiến đồng nghĩa với việc tăng thâm áp lực cho các nhà máy đường khi mua mía nguyên liệu với giá cao. Tất nhiên, Dự thảo này theo hướng bảo vệ lợi ích người nông dân, ổn định nguồn nguyên liệu ngành mía đường.

Về dài hạn, Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN (AFTA) sẽ là một thách thức lớn nếu ngàng mía đường không cải tiến phương thức và quy mô sản xuất. 

Theo AFTA, đến năm 2018, ngành đường Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn cho đường các nước ASEAN, đồng nghĩa đường nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam sẽ chỉ ở mức thuế 5% và không chịu hạn ngạch thuế quan. Đây sẽ là một khó khăn lớn đối với ngành khi mà đường Thái Lan có thể chính thức vào Việt Nam với số lượng không bị hạn chế ở mức thuế suất thấp.

Đối với TPP, ngành đường cũng sẽ gặp những bất lợi không hề nhỏ. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu trong hạn ngạch cho đường từ các quốc gia trong khối TPP như Hoa Kỳ, Mexico, Úc sẽ khiến cạnh tranh giá đường trong nước trở nên gay gắt hơn.

Trong điều kiện ngành mía đường vẫn được bảo hộ hạn ngạch và thuế quan, VCSC nhận định lợi thế vẫn thuộc về các công ty có khả năng tự chủ vùng nguyên liệu, năng suất cao hơn và có khả năng khai thác phụ phẩm sau đường tốt hơn.

Về tổng thể, trong dài hạn, ngành mía đường trong nước kém khả quan do áp lực cạnh tranh trước Thái Lan, các nước ASEAN và TPP trong vài năm tới. Quá trình thâu tóm, sáp nhập, mở rộng quy mô hoạt động đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong ngành mía đường như một xu hướng tất yếu nhằm gia tăng cạnh tranh, sẽ gây áp lực lên thu nhập cho cổ đông trong thời gian tới.

 

Khổng Chiêm