Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu ngày 30/9, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đánh giá cao các nỗ lực cải cách của Chính phủ trong 5 năm qua. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ mong rằng các nguồn lực quốc gia nên tiếp tục ưu tiên cho sản xuất vì chỉ có sản xuất mới tạo ra công ăn việc làm thật, phát triển kinh tế.

Ông Vũ cũng cho rằng khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ mở ra cơ hội lịch sử để cân bằng mối quan hệ và phát triển. Tuy nhiên, ông Vũ cũng bày tỏ mối lo âu và nêu quan điểm "nền kinh tế VN phải được dẫn dắt bởi các tập đoàn VN". Các doanh nghiệp FDI rất tốt nhưng nếu tỷ trọng các doanh nghiệp FDI quá lớn sẽ làm mất đi cơ hội phát triển doanh nghiệp VN. Đây là vấn đề cộng đồng doanh nghiệp VN rất trăn trở.

"Trong những năm vừa rồi, việc kêu gọi  đầu tư nước ngoài có tính chất thức thời, nhưng về dài hạn tôi e rằng với chính sách hiện nay VN trở thành nơi các tập đoàn nước ngoài khai thác tối đa lợi thế", ông Vũ trăn trở.

Trong ngành thép của ông Vũ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể không còn dư địa để phát triển, ông Vũ băn khoăn các doanh nghiệp Việt Nam minh bạch, đóng đủ thuế nhưng các doanh nghiệp nước ngoài có thể chuyển giá. "Chúng tôi cần chính sách vĩ mô tạo sự cân bằng, thì sẽ ổn định và bền vững hơn. Tôi thấy cổ phiếu ngân hàng lên khá cao, chứng tỏ ngân hàng hoạt động có lời. Tôi mong rằng lợi nhuận ngân hàng sẽ đi sau lợi nhuận doanh nghiệp, như thế nền kinh tế mới phát triển bền vững".

Đáp lại ý kiến của ông Vũ, Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng câu chuyện của chuyển giá là câu chuyện của toàn cầu.Tất nhiên, Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp nội địa vì nếu VN không phát triển được doanh nghiệp nội địa thì không tự chủ trong kinh tế được.

Thứ hai là các doanh nghiệp FDI cũng không mong muốn Việt Nam có những doanh nghiệp yếu kém. Như Samsung mong muốn có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ làm công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp Nhật Bản muốn rút đi vì Việt Nam không làm được doanh nghiệp hỗ trợ. Họ muốn các linh kiện lắp ráp ra chiếc ô tô phải do Việt Nam sản xuất để hạ giá thành, vì nếu lắp ráp ở Việt Nam mà phải nhập toàn bộ linh kiện từ nước ngoài thì không có ý nghía gì nữa.

Do đó, khi chúng ta đưa dòng vốn nước ngoài vào tạo ra sự cạnh tranh và tạo ra sự thay đổi về vốn, quản trị hiện đại, tạo sản phẩm cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên chúng ta phải phát triển doanh nghiệp trong nước, điều này vừa qua chúng ta chưa làm được, chúng ta phải đi nhanh hơn bước chân của chúng ta trong nước chứ không thể đóng cửa FDI.

Theo Bộ trưởng Vinh, Thủ tướng đã nói rất nhiều lần, thị trường phải cạnh tranh, không phải cứ doanh nghiệp nước ngoài vào là doanh nghiệp VN chết, VN đủ sức để tạo ra các doanh nghiệp cạnh tranh hơn.

FDI vào là để tạo ra cạnh tranh và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, nếu chúng ta đóng cửa lại chỉ có doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với nhau thôi thì sẽ trì trệ rất chậm phát triển và tụt hậu. Phải chấp nhận cuộc chơi có người bị loại khỏi cuộc đua và có người chiến thắng, và đó là điều Việt Nam mong muốn.

Theo Bộ trưởng Vinh, Bộ Kế hoạch đầu tư đã đưa ra Quốc hội sửa dổi luật doanh nghiệp rất thông thoáng, tới đây sẽ trình Chính phủ Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện trong năm 2016.

"VN sẽ làm hết sức để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi khẳng định rằng chỉ có những doanh nghiệp VN mới tạo ra thương hiệu VN, kể cả Samsung Việt Nam vẫn là Samsung, chỉ có cà phê, nước mắm Phú Quốc mới là của Việt Nam" Bộ trưởng Vinh nói.

Phương Mai - Minh Quân