Theo thông tư 08/2017/TT-BCT Quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, các DN phải khai báo về hệ thống phân phối sản phẩm để giúp các cơ quan quản lý giám sát. Khi điều chỉnh giá ở mức nhỏ dưới 5%, DN được quyền chủ động thay đổi giá, chỉ cần gửi thông báo điều chỉnh giá để Nhà nước nắm bắt.
Khó báo cáo giá xuống đại lý cấp dưới
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Bình - Giám đốc Cty TNHH Thanh Bình, một DN chuyên nhập khẩu sữa bột ở TP HCM: “Thông tư 08 đúng là mở ra hướng điều chỉnh giá thuận lợi cho DN nhưng DN lại gặp khó khăn trong việc quản lý hệ thống đại lý, báo cáo đại lý cấp dưới. Cụ thể, DN không biết sẽ phải báo cáo hệ thống phân phối tới cấp nào. Lý do, là nhà nhập khẩu trực tiếp, chúng tôi chỉ phân phối cho cho đại lý cấp 1. Rồi tiếp tục phân phối tới đại lý cấp 2, cấp 3, cửa hàng bán lẻ, người tiêu dùng là nhiệm vụ của đại lý cấp 1. Do vậy, nếu phải báo cáo các đại lý cấp dưới tới cửa hàng thì sẽ rất khó khăn cho DN vì hàng hóa tại các đại lý này được luân chuyển hàng ngày”.
Đại diện Nuticare (DN nhập khẩu sữa) cũng băn khoăn về việc DN nhập khẩu lớn có nhiều nhà phân phối thì các nhà phân phối tại địa phương sẽ phải đăng ký giá sữa lên cấp nào và thủ tục nhiều như vậy có gây mất thời gian cho DN hay không?
DN chịu trách nhiệm về chuỗi phân phối?
 Đại diện Sở Công thương TP HCM cho rằng: Để DN, hợp tác xã đầu mối sản xuất, nhập khẩu sữa tự xác định mức giá bán lẻ sữa đến người tiêu dùng cuối cùng và đăng ký hoặc kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền một cách chuẩn nhất thì Nhà nước cần quy định rõ: Các DN triển khai giá bán này cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sữa trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước; Thông báo hệ thống phân phối của mình để cơ quan quản lý Nhà nước giám sát việc thực hiện giá bán sản phẩm trên thị trường như đã đăng ký hoặc kê khai.
Còn cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do DN, hợp tác xã đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường. Với phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả; Xác định được trách nhiệm của các DN, hợp tác xã khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.
Về lâu dài, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cần rà soát các chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong kinh doanh đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi để xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh cao cho mặt hàng này. Từ đó, giá sản phẩm sẽ tự được điều chỉnh theo các quy luật thị trường về mức hợp lý, có lợi cho người tiêu dùng; Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc kinh tế thị trường.
Nguồn: Nguyễn Thành/enternews.vn