Năng lượng: Giá dầu có tuần tăng mạnh nhất nhiều tháng
Phiên cuối tuần, giá dầu giảm do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây giảm nhu cầu dầu toàn cầu. Kết thúc phiên này, dầu Brent kỳ hạn tháng 11/2019 giảm 12 US cent xuống 64,28 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ (WTI) kỳ hạn tháng 10/2019 giảm 4 US cent xuống 58,09 USD/thùng.
Không chỉ dầu, giá nhiều nông sản khác cũng giảm trong phiên này sau khi các quan chức nông nghiệp Trung Quốc hủy chuyến đi dự định tới các trang trại của Mỹ trong tuần tới (ở Montana và Nebraska) để trở về Trung Quốc sớm hơn dự kiến. Điều này xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông muốn có một thỏa thuận thương mại hoàn chỉnh với Trung Quốc chứ không chỉ là một thỏa thuận để Trung Quốc mua thêm hàng nông sản của Mỹ.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, dầu Brent tăng 6,7%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2019, trong khi , dầu WTI tăng 5,9%, mạnh nhất kể từ tháng 6/2019. Điều này thể hiện ảnh hưởng lớn từ các cuộc tấn công vào một số cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Hãng Aramco của Saudi Arabia dự kiến sẽ khôi phục hoàn toàn công suất vào cuối tháng này.
Về thông tin liên quan, theo công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã giảm 14 giàn khoan, là tuần giảm thứ 5 liên tiếp, đưa số giàn khoan xuống 719 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017.
Kim loại quý: Giá vàng tăng do căng thẳng ở Trung Đông
Phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.508,63 USD/ounce, trong khi vàng giao sau tăng 0,6% lên 1.515,1 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng đã tăng khoảng 1,5%, đảo ngược mức giảm 1,1% ghi nhận tuần trước đó và chấm dứt chuỗi ba tuần giảm liên tiếp.
Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường của trang môi giới Forex.com, tình hình căng thẳng ở Trung Đông đang hỗ trợ rất nhiều cho kim loại quý này. Chuyên gia Jim Wyckoff của Kitco Metals cũng cho rằng biến động địa chính trị này sẽ ảnh hưởng đến thị trường thế giới trong thời gian khá dài.
Chính phủ Mỹ mới đây cho hay họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương Iran sau cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia hồi cuối tuần trước, bất chấp việc Tehran vẫn luôn phủ nhận sự liên quan đến vụ tấn công và kêu gọi Mỹ không nên làm căng thẳng gia tăng hơn nữa.
Một yếu tố khác cũng góp phần đẩy giá vàng tăng trong tuần này là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay sau cuộc họp trong hai ngày 17-18/9.
Tuy nhiên, chuyên gia Ryan McKay của Công ty TD Securities nhận định, thông điệp của Fed phát đi sau cuộc họp có thiên hướng không ủng hộ việc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ, trong khi phần đông thị trường dự đoán ngân hàng này sẽ hạ lãi suất vào tháng Mười, hoặc ít nhất là sẽ đưa ra thêm một đợt cắt giảm lãi suất nữa trước cuối năm nay.
Nhà phân tích Lukman Otunuga của công ty môi giới đầu tư FXTM cho biết, triển vọng toàn cầu dường như không thuận lợi và các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để đối phó với sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ có lợi cho vàng về lâu dài.
Đối với những kim loại quý khác, giá palađi đạt kỷ lục cao do các nhà đầu tư tập trung vào căng thẳng ở Trung Đông. Trong phiên vừa qua, có lúc giá palađi chạm mức kỷ lục 1.654,56 USD, và kết thúc phiên ở mức tăng 0,9% lên 1.637,13 USD/ounce. Kim loại này đã tăng hơn 2% trong tuần này và kết thúc tuần tăng thứ 7 liên tiếp. Không chỉ những nhà đầu cơ mà cả những nhà sản xuất ô tô đều mua palađi. Người tiêu dùng đang lo ngại giá sẽ còn tăng thêm nữa nên tranh thủ mua vào.
Giá bạc trong phiên cuối tuần tăng 0,3% lên 17,83 USD/ounce trong khi bạch kim vững ở 937,82 USD/ounce.
Kim loại công nghiệp: Giá nickel tăng, quặng sắt giảm
Phiên cuối tuần, giá nickel tăng do các nhà sản xuất thép không gỉ tích cực mua vào trước kỳ nghỉ ở của Trung Quốc và bởi lo ngại lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel của Indonesia có thể tạo ra tình trạng thiếu hụt. Nickel trên sàn giao dịch kim loại London tăng 1% lên 17.455 USD/tấn.
Indonesia - nhà sản xuất nickel hàng đầu thế giới - dự định ban hành lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel trong vòng 2 năm bắt đầu từ 1/1/2020, và Philippines, nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới, có thể sẽ dừng hoạt động khai thác của 5 công ty vào cuối năm nay.
Nickel được sử dụng chủ yếu trong sản xuất thép không gỉ. Theo Tổ chức nghiên cứu nickel quốc tế (INSG), thị trường nickel toàn cầu thiếu hụt tới 6.700 tấn trong tháng 7/2019, sau khi thiếu 2.700 tấn ở tháng trước đó.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm tiếp trong phiên cuối tuần bởi lo lắng về triển vọng nhu cầu. Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên lúc đóng cửa giảm 1,9% xuống 635 CNY (89,57 USD)/tấn, trong đầu phiên có lúc giảm khoảng 3,5% xuống mức thấp nhất 2 tuần là 624,5 CNY. Tính chung cả tuần giá quặng sắt giảm 5,2%, nhiều nhất trong vòng 6 tuần.
Tuy nhiên, trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2019 đã phục hồi tăng 0,3% lên 88,89 USD/tấn vào cuối phiên giao dịch sau khi Bắc Kinh nới lỏng tiền tệ trong tuần này để hỗ trợ kinh tế trong nước.
Giá thép cây trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng giảm 1,7% xuống 3.388 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 1,8% xuống 3.400 CNY/tấn.
Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tháng 8/2019 tăng với tốc độ thấp nhất trong 17,5 năm, một dấu hiệu nền kinh tế này ngày càng suy yếu. Nhà phân tích Richard Lu thuộc công ty dự báo hàng hóa CRU ở Bắc Kinh cho biết, nếu Trung Quốc không có bất kỳ biện pháp kích thích kinh tế nào nữa, sản lượng thép trong quý 4/2019 có thể sẽ thấp hơn nhiều so với 3 quý đầu năm.
Nông sản: Giá cà phê và đường tăng
Phiên cuối tuần, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 0,05 US cent tương đương 0,05% lên 98,40 US cent/lb. Phiên liền trước, hợp đồng này đã giảm xuống 98,10 US cent, thấp nhất kể từ 10/9. Robusta kỳ hạn tháng 11/2019 tăng 4 USD tương đương 0,31% lên 1.304 USD/tấn.
Giá đường cũng theo xu hướng tăng. Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,1 US cent hay 0,9% lên 11,09 US cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 3,8 USD hay 1,18% lên 325,7 USD/tấn. Giá dầu tăng và dự báo nguồn cung năm 2019/20 sẽ thiếu hụt đang hậu thuẫn xu hướng tăng. Thời tiết khô hạn tại một số nơi ở Liên minh Châu Âu có thể gây bất lợi cho mùa vụ ở khu vực này.
Đối với mặt hàng cao su, giá đồng loạt đi xuống. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn Tokyo đóng cửa giảm 3,2 JPY xuống 166,6 JPY/kg; hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 30 CNY (4,23 USD) xuống 11.870 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

ĐVT

Giá 14/9

Giá 21/9

21/9 so với 20/9

21/9 so với 20/9 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

54,85

58,09

-0,10

-0,17%

Dầu Brent

USD/thùng

60,22

64,28

-0,12

-0,19%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

36.690,00

39.060,00

-400,00

-1,01%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,61

2,53

0,00

-0,16%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

155,31

167,84

-2,23

-1,31%

Dầu đốt

US cent/gallon

187,78

198,63

-1,86

-0,93%

Dầu khí

USD/tấn

577,00

617,25

+1,50

+0,24%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

54.890,00

57.460,00

-510,00

-0,88%

Vàng New York

USD/ounce

1.499,50

1.515,10

+8,90

+0,59%

Vàng TOCOM

JPY/g

5.160,00

5.230,00

+20,00

+0,38%

Bạc New York

USD/ounce

17,57

17,85

-0,04

-0,20%

Bạc TOCOM

JPY/g

61,30

61,90

-0,30

-0,48%

Bạch kim

USD/ounce

948,55

946,30

+7,89

+0,84%

Palađi

USD/ounce

1.611,08

1.642,59

+22,71

+1,40%

Đồng New York

US cent/lb

269,95

260,65

-0,20

-0,08%

Đồng LME

USD/tấn

5.974,50

5.798,00

+10,00

+0,17%

Nhôm LME

USD/tấn

1.810,00

1.795,00

-5,00

-0,28%

Kẽm LME

USD/tấn

2.385,00

2.305,00

-7,00

-0,30%

Thiếc LME

USD/tấn

16.475,00

16.725,00

+250,00

+1,52%

Ngô

US cent/bushel

368,75

370,75

-2,00

-0,54%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

483,50

484,25

-3,75

-0,77%

Lúa mạch

US cent/bushel

280,50

275,75

-1,00

-0,36%

Gạo thô

USD/cwt

12,26

12,32

-0,05

-0,40%

Đậu tương

US cent/bushel

898,75

882,75

-10,25

-1,15%

Khô đậu tương

USD/tấn

301,50

295,00

-1,10

-0,37%

Dầu đậu tương

US cent/lb

29,43

29,40

-0,57

-1,90%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

449,80

447,40

-3,50

-0,78%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.337,00

2.473,00

+5,00

+0,20%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

102,75

98,40

+0,05

+0,05%

Đường thô

US cent/lb

11,94

12,07

+0,07

+0,58%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

101,95

100,15

+1,50

+1,52%

Bông

US cent/lb

62,28

60,52

+0,19

+0,31%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

378,50

383,80

+5,50

+1,45%

Cao su TOCOM

JPY/kg

169,70

167,50

+0,90

+0,54%

Ethanol CME

USD/gallon

1,36

1,36

-0,01

-0,58%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

Nguồn: Vinanet