Năng lượng: giá dầu thô tăng
Phiên cuối tuần, giá dầu biến động thất thường, giảm vào đầu phiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) gia tăng sản lượng, nhưng đã hồi phục trở lại vào cuối phiên khi giới đầu tư nhận định sự sụt giảm nguồn cung tại Iran sẽ lớn hơn con số gia tăng sản lượng, với dầu Brent tăng 10 US cent lên 78,80 USD/thùng; trong khi dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 46 US cent lên 70,78 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, WTI tăng 2,5%, trong khi Brent tăng 0,7%.
Tổng thống Trump đã gây áp lực lên cuộc họp của OPEC thông qua bài đăng trên trang cá nhân Twitter rằng OPEC cần hạ giá dầu. Chuyên gia Tariq Zahir của công ty Tyche Capital Advisors ở New York cho rằng bài đăng của ông Trump có thể khiến giá dầu giảm nhẹ, đồng thời dự đoán những bài đăng như vậy của vị tổng thống này sẽ tiếp tục xuất hiện trong bối cảnh đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đang đến gần.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt Mỹ nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11/2018. Các chuyên gia phân tích của Bank of America Merrill Lynch cho biết lượng dầu xuất khẩu của Iran đã giảm 580.000 thùng dầu/ngày trong ba tháng qua. Xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã giảm trong những tháng gần đây khi ngày càng nhiều khách hàng, trong đó có nước mua dầu lớn thứ hai của Iran là Ấn Độ, giảm mạnh nhập khẩu trước thời điểm các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực. Washington đặt mục tiêu giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống mức 0 nhằm buộc Tehran ngồi vào bàn đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân.
OPEC và các nước sản xuất dầu khác, trong đó có Nga, sẽ nhóm họp ở Algeria vào ngày 23/9/2018 để thảo luận về cách phân bổ mức tăng sản lượng để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran, nhưng cuộc họp này được dự đoán khó có thể đưa ra một thỏa thuận về việc gia tăng chính thức sản lượng dầu thô.
Mới đây có tin cho hay Saudi Arabia đang hài lòng với mức giá trên 80 USD/thùng, ít nhất là trong ngắn hạn. hãng tin Reuters đưa tin Saudi Arabia muốn giá dầu giữ ở mức 70-80 USD/thùng trong bối cảnh nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này đang nỗ lực cân bằng giữa việc tối đa hóa doanh thu với kiềm chế đà tăng của giá dầu cho đến ngày bầu cử Quốc hội Mỹ. Còn theo Bloomberg, mặc dù Riyadh không có tham vọng đẩy giá lên cao hơn 80 USD/thùng, nhưng việc giá dầu chạm mốc này sẽ không còn xa bởi lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên lĩnh vực dầu mỏ của Iran dự kiến sẽ có hiệu từ ngày 4/11 tới.
Tuy vậy, Bộ trường Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết giá dầu khoảng 70-80 USD/thùng chỉ là tạm thời và do tác ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của Mỹ, còn mức giá trong dài hạn sẽ vào khoảng 50 USD/thùng
Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể sẽ làm giảm nhu cầu dầu của thế giới. Ngày 17/9/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Những mặt hàng như đồng hồ thông minh của các doanh nghiệp như Apple và Fitbit Inc hay một số loại hàng tiêu dùng như mũ bảo hiểm xe đạp, ghế ngồi ô tô cho trẻ sơ sinh... sẽ không bị áp thuế.
Trong một tuyên bố, ông Trump cảnh báo nếu Trung Quốc có hành động trả đũa nhằm vào Mỹ, Washington sẽ "ngay lập tức bước vào giai đoạn ba, bao gồm các khoản thuế đối với khoảng 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu".
Kim loại quý: Giá vàng tăng nhẹ
Phiên cuối tuần, giá vàng giảm khi đồng USD tăng so với đồng bảng Anh và đồng euro, theo sau những diễn biến mới xung quanh tiến trình đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU) của Anh. Chốt phiên này, giá vàng giao tháng 12/2018 giảm 10 USD (0,8%) xuống 1.201,30 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, vàng giao ngay vẫn tăng 0,4%.
Đồng bảng Anh và đồng euro đã rớt giá, sau khi Thủ tướng Anh Theresa May ngày 21/9/2018 đề nghị EU đưa ra một phương án thay thế các đề xuất của bà liên quan tới việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit, đồng thời cảnh báo bà sẽ không bao giờ chấp nhận chia tách Vương quốc Anh. Theo Thủ tướng Anh, kết quả tốt nhất từ các cuộc đàm phán là việc nước này rời khỏi EU với một thỏa thuận, song khẳng định việc rời đi mà không có thỏa thuận còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi.
Nhà phân tích Fawad Razaqzada, thuộc trang FOREX.com, nhận định hoạt động bán ra với khối lượng lớn đồng bảng và đồng euro đã thúc đẩy đồng USD tăng giá và gây sức ép đối với các mặt hàng định giá bằng đồng tiền này như vàng.
Giá vàng đã giảm khoảng 12% kể từ tháng Tư, trước tình hình căng thẳng thương mại leo thang và tiến trình nâng lãi suất tại Mỹ. Mặc dù vàng được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn, song “cuộc chiến thương mại” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thúc đẩy giới đầu tư chuyển hướng sang đồng USD, với nhận định Mỹ sẽ đỡ thua thiệt hơn do tranh chấp thương mại với Trung Quốc.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào tuần tới. Fed được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp tháng Chín.
Kim loại cơ bản: Giá đồng và thép tăng
Phiên cuối tuần, giá đồng tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2013 do các nhà đầu tư tính toán rằng một xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây ít thiệt hại hơn so với lo sợ ban đầu. Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London kết thúc phiên tăng 4,6% lên 6.363 USD/tấn sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 7/2018. Giá đã tăng 6,5% trong tuần này.
Những lo lắng rào cản thương mại sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa đã đẩy các kim loại công nghiệp giảm mạnh trong những tháng gần đây, đồng đã giảm từ 7.348 USD/tấn, mức cao hồi tháng 6/2018 xuống mức thấp nhất 14 tháng tại 5,773 USD/tấn trong tháng trước. Nhưng những lo ngại này đã giảm đi sau khi thông báo thuế quan trong tuần này ở mức thấp hơn so với dự kiến và Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới đã thông báo các bước để tăng cường kinh tế của mình.
Nhu cầu đối với các tài sản rủi ro hồi sinh, với cổ phiếu toàn cầu đạt mức cao nhất 6 tháng và chứng khoán Trung Quốc cũng tăng.
Thị trường có dấu hiệu thắt chặt hơn, dự trữ đồng trong kho LME ở mức 216.000 tấn giảm từ gần 400.000 tấn trong tháng 3/2018, trong khi dự trữ tại kho của sàn giao dịch Thượng Hải giảm 17,5% xuống 111.029 tấn.
Tổ chức nghiên cứu đồng quốc tế (ICSG) cho biết thị trường đồng đã tinh luyện toàn cầu thiếu hụt 45.000 tấn trong tháng 6/2018 sau khi thiếu hụt 50.000 tấn trong tháng 5/2018.
Giá thép cây dùng trong xây dựng của Trung Quốc tăng trong phiên cuối tuần, kết thúc tuần này tích cực do sự hỗ trợ từ kế hoạch tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của nước này.
Hợp đồng thép cây kỳ hạn trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,1% khi đóng cửa lên 4.149 CNY (606,53 USD)/tấn, tính chung cả tuần giá đã tăng 1,5%.
Người đứng đầu Hiệp hội thép Trung Quốc cho biết nhu cầu thép của Trung Quốc vẫn mạnh bất chấp cuộc chiến thương mại leo thang của nước này với Mỹ, và bất kỳ nỗ lực nào của Washington để phá hoại nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thành công.
Sự thúc đẩy để mở rộng mạng lưới tàu điện ngầm tại một số thành phố lớn nhất Trung Quốc giúp triển vọng ngành thép khổng lồ của quốc gia này sáng sủa.
Nông sản: Giá cà phê tăng, đường giảm
Giá cà phê arabica phiên cuối tuần tăng 0,15 US cent tương đương 0,2% lên 0,999 USD/lb, trong khi robusta gia giảm 19 USD tương đương 1,3% xuống 1.489 USD/tấn. Tính chung cả tuần, arabica tăng 0,2%, là tuần thứ 3 tăng trong vòng 16 tuần vừa qua.
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 chốt phiên cuối tuần tăng 0,06 US cent hay 0,5% lên 11,68 US cent/lb. Tính chung cả tuần hợp đồng này đã giảm 2,8%. Đường trắng kỳ hạn tháng 12 phiên cuối tuần tăng 0,8 USD hay 0,2% lên 331 USD/tấn.
Giá đường di chuyển song song với dầu thô. Jack Scoville, phó chủ tịch Price Futures Group ở Chicago cho biết giá dầu thô tăng, ngụ ý cho thấy nhu cầu ethanol từ mía tăng, thúc đẩy nhu cầu mua đường.
Các đại lý cho biết tập trung chính vẫn là tiềm năng xuất khẩu từ Ấn Độ, chính phủ có thể bàn luận các biện pháp kích thích có thể tại cuộc họp trong tuần tới.
Tình trạng khô hạn mùa hè dự kiến làm giảm sản lượng củ cải đường của EU trong năm nay và khối này có thể tiếp tục giảm trong năm tới do nông dân và công ty đường phản ứng với giá sụt giảm.
Giá cao su giao sau tại Tokyo giảm trong phiên cuối tuần do các nhà đầu tư điều chỉnh trước một kỳ nghỉ dài tại Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng đã có tuần thứ hai tăng giá liên tiếp trong bối cảnh dự đoán thuế nhập khẩu lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ít thiệt hại hơn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2/2018 trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) chốt phiên giảm 0,7 JPY hay 0,4% xuống 168,9 JPY (1,5 USD)/kg. Giá cao su TOCOM (thiết lập cho giá cao su tại Đông Nam Á) đã tăng 0,6% trong tuần này.
Có những lo ngại về xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trong đầu tuần này, nhưng đã dịu đi cuối tuần, giúp giá cao su phục hồi từ mức thấp gần hai năm.
Giá cao su TOCOM được dự kiến trong khoảng 165 JPY tới 175 JPY trong tuần tới.
Thủ thướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần tới khi lo sợ tăng lên tại Tokyo rằng Washington có thể yêu cầu Nhật Bản hạn chế xuất khẩu ô tô của mình sang Mỹ. Các thị trường Nhật Bản đóng cửa hôm thứ hai (ngày 24/9/2018) để nghỉ lễ.
Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá 15/9

Giá 22/9

So 22/9 với 21/9

So 22/9 với 21/9 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

68,85

70,78

+0,46

+0,65%

Dầu Brent

USD/thùng

77,91

78,80

+0,10

+0,13%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

50.890,00

51.920,00

-160,00

-0,31%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,78

2,98

+0,00

+0,03%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

197,69

201,71

+0,25

+0,12%

Dầu đốt

US cent/gallon

220,83

222,60

-0,20

-0,09%

Dầu khí

USD/tấn

679,00

688,00

0,00

0,00%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

69.340,00

69.900,00

-300,00

-0,43%

Vàng New York

USD/ounce

1.199,10

1.201,30

-10,00

-0,83%

Vàng Tokyo

JPY/g

4.287,00

4.325,00

-45,00

-1,03%

Bạc New York

USD/ounce

14,11

14,36

+0,05

+0,38%

Bạc TOCOM

JPY/g

51,10

51,60

-0,40

-0,77%

Bạch kim

USD/ounce

795,38

828,00

-7,51

-0,90%

Palladium

USD/ounce

979,76

1.052,75

+0,25

+0,02%

Đồng New York

US cent/lb

262,40

285,75

+11,75

+4,29%

Đồng LME

USD/tấn

5.973,00

6.363,00

+281,00

+4,62%

Nhôm LME

USD/tấn

2.043,00

2.091,00

+48,00

+2,35%

Kẽm LME

USD/tấn

2.334,00

2.496,00

+41,00

+1,67%

Thiếc LME

USD/tấn

19.040,00

19.000,00

+40,00

+0,21%

Ngô

US cent/bushel

350,25

357,25

+4,75

+1,35%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

515,00

521,75

-2,25

-0,43%

Lúa mạch

US cent/bushel

241,75

253,00

+4,00

+1,61%

Gạo thô

USD/cwt

10,49

9,88

+0,01

+0,05%

Đậu tương

US cent/bushel

826,50

847,25

-3,00

-0,35%

Khô đậu tương

USD/tấn

307,50

308,90

-5,50

-1,75%

Dầu đậu tương

US cent/lb

27,71

28,34

+0,48

+1,72%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

490,10

489,70

+0,60

+0,12%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.219,00

2.167,00

-34,00

-1,54%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

99,70

99,90

+0,15

+0,15%

Đường thô

US cent/lb

12,02

11,68

+0,06

+0,52%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

153,50

147,25

-0,15

-0,10%

Bông

US cent/lb

81,58

79,13

+0,66

+0,84%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

370,00

340,30

-4,70

-1,36%

Cao su TOCOM

JPY/kg

167,20

168,50

-0,40

-0,24%

Ethanol CME

USD/gallon

1,28

1,27

-0,01

-0,63%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

Nguồn: Vinanet