GIÁ MỘT SỐ MẶT HÀNG CHỦ CHỐT TUẦN QUAMột số mặt hàng đáng chú ý tuần qua
Dầu thô
Trong vòng một tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 152,21%.
Phiên 20/4/2020 đánh dấu thời điểm lịch sử của thị trường dầu khi giá WTI kỳ hạn tháng 5/2020 có lúc xuống âm 37,63 USD/thùng, mức thấp chưa từng có kể từ khi loại dầu này được đưa lên sàn giao dịch, năm 1983.
Có 3 nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này: (1) Nhu cầu dầu thế giới giảm 30% kể từ đầu tháng 3/2020 do chính sách ở nhà để chống Covid-19 trên toàn cầu, (2) các kho chứa dầu thừa đã gần đầy, trong khi dầu WTI thừa chủ yếu tập kết ở Cushing, Oklahoma (Mỹ) (khác với dầu Brent được chứa ở nhiều nơi trên thế giới), (3) ngày 20/4/2020 là ngày hợp đồng WTI kỳ hạn tháng 5/2020 đáo hạn. Theo quy định , khi hợp đồng WTI đáo hạn thì chủ sở hữu hợp đồng phải chuyển giao dầu tới Cushing, trong bối cảnh Cushing đã đầy 70% và sắp không còn chỗ chứa.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể tăng trở lại mức cao kỷ lục vào tháng 9 tới
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo tình trạng khan hiếm thịt lợn hiện nay trong khi nhu cầu tăng dần có thể khiến giá thịt lợn tại nước này tăng lên mức cao kỷ lục mới vào tháng 9/2020. Nguyên nhân do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu đang tăng dần. Sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2020 thấp hơn 29% so với một năm 2019.
Tháng 10/2019, giá thịt lợn tại nước này đã từng đạt mức cao kỷ lục 53,79 CNY (7,59 USD)/kg, cao gấp gần 3 lần so với một năm trước đó, sau khi dịch tả lợn làm chết hàng triệu con lợn ở quốc gia sản xuất thịt lợn nhiều nhất thế giới này.
Giá dưa hấu tại Trung Quốc giảm thấp do nhu cầu yếu
Giá dưa hấu tại Trung Quốc hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2019 do nhu cầu tiêu thụ giảm khoảng 10-50% vì Covid-19. Trên các cánh đồng trồng dưa ở Trung Quốc, gần một nửa số dưa hấu đến kỳ thu hoạch bị bỏ thối.
Năm 2020, tổng diện tích trồng dưa đã giảm 25% so với năm 2019, song vẫn cao hơn 25% so với những năm trước.
Nguồn cung chuối từ Philippines bị gián đoạn do chính sách cách ly để chống Covid-19
Các biện pháp giãn cách xã hội ở Philippines khiến cho hoạt động vận chuyển chuối bị gián đoạn. Các doanh nghiệp sản xuất, trong đó có Unifrutti Tropical Philippines Inc., đã tạm dừng một số hoạt động kinh doanh.
Stephen Antig, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu chuối Philippine, dự báo xuất khẩu chuối từ Philippines – nước xuất khẩu chuối lớn thứ 2 thế giới – có thể giảm khoảng 40% trong năm 2020, xuống còn khoảng 2,5 triệu tấn.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Philippines là nước xuất khẩu chuối lớn thứ 2 thế giới, sau Ecuador. Quốc gia Châu Á này chiếm khoảng 20% tổng lượng chuối xuất khẩu trên toàn cầu trong năm 2019, trong đó khoảng 90% xuất khẩu sang Châu Á, trong đó 2 thị trường chủ chốt là Trung Quốc và Nhật Bản.
Hòn đảo chính của nước này – đảo Luzon – đã bị cách ly từ giữa tháng 3 nhằm ngăn chặn dịch bệnh, và thời gian cách ly sẽ kéo dài đến cuối tháng 4. Các tỉnh miền Nam nước này - nơi có nhiều nông trường chuối – cũng đang phải thực hiện các biện pháp kiểm dịch. Do đó, dự báo xuất khẩu trái cây từ Philippines sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng, kể cả sau khi chính sách hạn chế đi lại được dỡ bỏ, vì khi đó sẽ vẫn tiếp tục duy trì chính sách giãn cách xã hội – làm hạn chế số lượng công nhân ở các nông trường chuối.

Nguồn: VITIC tổng hợp