Giá hạt tiêu, điều, gạo, cà phê cùng lao dốc
Trang thanhnien.vn đưa tin, ba tháng đầu năm, lĩnh vực nông nghiệp xuất khẩu được 8,8 tỉ USD, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm 2018, nguyên nhân là do giá nhiều mặt hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh.
Có đến 4 mặt hàng nông sản xuất khẩu mà tỷ lệ giá giảm hai con số. Dẫn đầu danh là giá tiêu giảm 27% nên dù lượng xuất khẩu tăng đến 19% nhưng giá trị vẫn giảm gần 18%. Giá điều giảm gần 21 đạt 8.043 USD/tấn. Xuất khẩu hạt điều tăng gần 5% về lượng nhưng giảm trên 17% về giá trị.
Gạo giảm gần 18%, chỉ còn 404 USD/tấn. Đây là yếu tố làm giá trị xuất khẩu trong 3 tháng qua giảm trên 20% so với cùng kỳ năm 2018 dù lượng chỉ giảm có 3,5%.
Giá cà phê xuất khẩu giảm trên 14%, hiện chỉ còn 4.894 USD/tấn. Tổng giá trị xuất khẩu cà phê giảm gần 24%, chỉ thu về có 830 triệu USD dù lượng giảm chỉ có 15,3%.Ngoài ra, hàng loạt nông sản khác cũng có mức sụt giảm đến gần 10% về giá trị, cụ thể uất khẩu rau quả đạt 879 triệu USD, giảm 9,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn, giảm 9,4%; tôm đạt 676 triệu USD, giảm 9,1%. Mặt hàng rau quả liên tục trong 3 năm gần đây luôn có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong nhóm ngành nông lâm thủy hải sản. Tuy nhiên do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (75-80%) nên khi gặp khó thì các thị trường còn lại không "đỡ" nỗi, quay đầu đi xuống.
Ngoài lý do khách quan là xu thế chung của thế giới thì phần lớn những mặt hàng này nông sản này đã tăng mạnh diện tích và sản lượng trong thời gian qua. Cụ thể những năm gần đây, diện tích trồng cà phê robusta đang được mở rộng ở Tây nguyên, Đông Nam bộ. Cà phê arabica thậm chí còn phát triển ở tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang.
Triển vọng xuất khẩu tôm sang Canada
Theo vietnambiz.vn, Việt Nam đang là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường Canada, chiếm 30,3% thị phần. Với Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực vào đầu năm nay, VASEP nhận định đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tôm Việt Nam khai thác thị trường Canada.
Xuất khẩu tôm sang thị trường này mặc dù không tăng trưởng mạnh và liên tục nhưng Canada được coi là thị trường tiềm năng đối với mặt hàng tôm Việt Nam do vị trí nằm sát với nước Mỹ và người dân ở đây có mức sống cao.
Canada hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 6 của Việt Nam và chiếm gần 5% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Canada, tỉ trọng tôm chân trắng ngày càng tăng. Người tiêu dùng Canada ưa chuộng các sản phẩm tôm chế biến và sản phẩm phổ biến tại thị trường Canada là tôm hấp nguyên con, để vỏ.
Những năm gần đây, Canada tiêu thụ khá nhiều tôm nước ấm của các nước Đông Nam Á trong bối cảnh nguồn cung tôm nước lạnh sụt giảm.
Đầu năm nay, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực. VASEP nhận định đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tôm Việt Nam khai thác thị trường Canada vì các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều không tham gia hiệp định.
Dứa tăng giá trở lại
Thông tin từ nongnghiep.vn, hiện đã cuối vụ, vùng dứa Bản Lầu chỉ còn khoảng 10% tổng sản lượng, tương đương khoảng 1.500 tấn. Những ngày qua, phía Trung Quốc bắt đầu thu mua trở lại, giá dứa đã ổn định hơn, giá thu mua khoảng 2 nhân dân tệ/kg (hơn 6 nghìn đồng). Dứa thu mua tại vườn khoảng 3 nghìn đồng/kg. Tại các điểm bán dọc đường 4 nghìn đồng/kg.
Cách đây 2 tuần, giá dứa tại Bản Lầu giảm sâu (2 nghìn đồng/kg). Những năm trước giá dứa thấp nhất cũng 3 nghìn đồng/kg còn bình thường cũng phải từ 5 nghìn đồng/kg trở lên. Năm nay giá dứa xuống quá thấp. 70% sản lượng dứa Bản Lầu hằng năm xuất đi Trung Quốc.
Nguyên nhân giảm do giá dứa bên kia biên giới xuống thấp nên tư thương Trung Quốc cũng hạn chế nhập về. Còn một số nhà máy chế biến nước hoa quả như ở Đồng Giao tỉnh Ninh Bình hay ở Hưng Yên, Thanh Hóa cũng có về thu mua nhưng không đáng kể.
Trước tình thế đó, Sở NN-PTNT Lào Cai đã họp cùng các doanh nghiệp, người dân bàn cách tiêu thụ, sản xuất. Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc được mùa, mất giá kể trên là do người dân trồng tự phát, phá vỡ quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu.
Xuất khẩu cá ngừ sang Trung Quốc tăng đột biến
Baohaiquan.vn thông tin, trong khi XK cá ngừ của Việt Nam sang EU hay Israel giảm so với cùng kỳ, XK sang Trung Quốc lại tăng đột biến trong những tháng đầu năm, với mức 771%. Trung Quốc là thị trường NK cá ngừ lớn thứ 5 của Việt Nam sau Mỹ, EU, Israel và ASEAN.
Tại phân khúc sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh, Việt Nam và các nước ASEAN được miễn thuế khi XK sang Trung Quốc. Và với lợi thế này, năm 2018 Việt Nam là nước dẫn đầu về XK dòng sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 sang thị trường này, chiếm hơn 65%.
Sang năm 2019, XK dòng sản phẩm này sang Trung Quốc có xu hướng ngày càng tăng. Tính đến hết tháng 2/2019, giá trị XK thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 sang Trung Quốc chiếm 94% tổng giá trị XK. Năm nay còn XK thêm một số mặt hàng cá ngừ tươi sống và đông lạnh khác cho thị trường này.
Mặc dù là nước có ngành khai thác quy mô lớn, nhưng hàng năm Trung Quốc vẫn phải NK thêm cá ngừ từ các nước khác. Hiện nước này đang là 1 trong 20 nước NK cá ngừ nhiều nhất trên thế giới. Trong 10 năm qua, NK cá ngừ của Trung Quốc ngày càng tăng. Trong số các sản phẩm cá ngừ, Trung Quốc đang NK ngày càng nhiều các sản phẩm cá ngừ tươi sống, ướp đá và đông lạnh từ các nước. Hầu hết cá ngừ tươi sống và đông lạnh, bao gồm cả thăn cá ngừ NK vào Trung Quốc để chế biến thành thăn cá ngừ hấp chín và cá ngừ đóng hộp để XK. Còn hầu hết cá ngừ đóng hộp NK vào Trung Quốc là để tiêu thụ trong nước.
Như vậy có thế thấy, mặc dù là thị trường nhỏ so với EU và Mỹ, Trung Quốc là một trong số ít các thị trường NK cá ngừ đông lạnh và chế biến đang phát triển.
Giá hạt tiêu khó tăng trong thời gian tới
Theo vietnambiz.vn, tháng 3 xuất khẩu hạt tiêu đạt 35.300 tấn, trị giá 89,45 triệu USD, tăng gấp đôi về lượng và giá trị (tăng lần lượt 110,5% và tăng 102,3%) giá so với tháng 2. Lũy kế quí I, xuất khẩu đạt gần 71.000 tấn, trị giá 189,56 triệu USD, tăng 18,3% về lượng, nhưng giảm 14,4% về trị giá so với cùng kì năm ngoái.
Tháng 3, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt mức 2.536 USD/tấn, giảm 3,9% so với tháng 2 và giảm tới 28,2% so với tháng 3/2018. Trong quí I, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt mức 2.672 USD/tấn, giảm 27,6% so với ba tháng đầu năm 2018.
Giá tiêu biến động trong biên độ hẹp do dự kiến lượng thiếu hụt khi thu hoạch hạt tiêu của Ấn Độ giảm, sẽ được bù đắp bởi lượng tồn kho lớn của Việt Nam.
Hiện hàng trăm mẫu đất trồng hạt tiêu tại Ấn Độ bị đe dọa bởi bệnh héo nhanh do hạn hán. Tuy nhiên, lượng hạt tiêu tồn kho của Việt Nam vẫn ở mức cao, kì vọng một vụ bội thu của Sri Lanka bước vào mùa thu hoạch mới từ tháng 4.
Nguồn cung hạt tiêu dồi dào, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới không có dấu hiệu tăng mạnh, giá hạt tiêu được dự báo sẽ khó có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet