Bộ Công Thương khuyến cáo hộ chăn nuôi không ồ ạt tái đàn gà
Theo vietnamplus.vn, việc giá gà trong nước đứng ở mức thấp trong thời gian đây có nhiều nguyên nhân, song theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, các cơ sở chăn nuôi cần tính toán kỹ, tránh tình trạng tự phát, ồ ạt tăng đàn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng vừa qua, cả nước nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, Việt Nam nhập khẩu thịt gà chủ yếu từ các nước tiên tiến, có chất lượng cao. Trong số đó, thị trường Mỹ chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu, tiếp theo là Brazil chiếm 13,1% và Hàn Quốc chiếm 12,3%.
Bộ Công Thương cho biết, lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4/2019 đến tháng 6/2019 nhưng giảm dần từ tháng 6 đến nay.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, vào thời điểm ngày 22/10/2019, giá thịt gà công nghiệp (lông trắng, lông màu) tại các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ là nơi tập trung các trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn của cả nước dao động từ 25.000-25.500 đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho thấy việc tăng nguồn cung là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở khu vực Đông Nam Bộ dự báo người tiêu dùng sẽ không ăn thịt lợn, vì vậy đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát.
Để ổn định thị trường, Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề nghị các địa phương chăn nuôi gà trọng điểm tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền nhằm kiểm soát tình hình chăn nuôi, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán.
Giá tôm hùm tăng trở lại
Nongnghiep.vn đưa tin, thời gian qua, người nuôi tôm hùm ở ở TX Sông Cầu, “thủ phủ” tôm hùm của Phú Yên, đối mặt với nhiều khó khăn do giá tôm xuống thấp, thương lái ép giá, môi trường vùng nuôi ô nhiễm. Từ tháng 8 đến nay, giá tôm bắt đầu tăng lại.
Từ cuối tháng 7 đến nay giá tôm xanh được thương lái mua 720.000 đồng/kg, còn tôm hùm bông 1,3 triệu đồng/kg. Trước đó, những tháng đầu năm, có thời điểm giá tôm hùm xanh chỉ còn 500.000 đồng/kg, tôm hùm bông còn 1,1 triệu đồng/kg. Giá tôm tăng nhưng còn ở mức thấp, so với thời điểm cuối năm 2018, giá tôm xanh thương lái mua 1 triệu đồng/kg, tôm bông 1,8 triệu đồng/kg.
Giá tôm bắt đầu tăng lại nhưng vẫn thấp so với thời điểm cuối 2018, thế nhưng so với giá tôm thời điểm hiện nay người nuôi đã có lãi.
Thời gian qua, nuôi tôm hùm gặp khó không chỉ giá thấp do Trung Quốc siết tiểu ngạch mà trong quá trình nuôi không được suôn sẻ vì nguồn nước ô nhiễm, tôm bị bệnh.
Xuất khẩu cau, thu nghìn tỉ
Theo vietnambiz.vn, làng nghề cau Cao Nhân - Hải Phòng xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc đã trên 20 năm, nhưng về cơ bản giá cả vẫn bấp bênh.
Toàn xã Cao Nhân có hơn 3.000 hộ, cơ bản hộ nào cũng trồng cau, nhà ít cũng một sào Bắc Bộ, nhà nhiều tới hơn 1.000 cây. Từ năm 2007, UBND TP Hải Phòng có quyết định công nhận Làng nghề trồng và chế biến cau Cao Nhân, diện tích trồng cau không ngừng được mở rộng, các hộ kinh doanh tăng lên.
Phong trào trồng cau lan dần sang một số xã khác trong huyện như Chính Mỹ, Hợp Thành… Hàng năm địa phương này thu mua và sơ chế trên dưới 5 nghìn tấn cau khô và 100% phục vụ cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, làm nghề cau không dễ ăn, theo người dân địa phương, hơn 20 năm xuất khẩu cau sang Trung Quốc, những năm cau được giá chỉ đếm trên đầu ngón tay như năm 1994, 2004, 2015… còn lại giá cả lên xuống khó lường. Một vấn đề mang tính “tử huyệt” liên quan đến xuất khẩu cau ở Cao Nhân chính là đầu ra.
Năm nay, cau được xem là mất giá, cau khô xuất sang Trung Quốc chỉ được khoảng 80.000 đồng/kg. Tại Cao Nhân chỉ còn khoảng 50 hộ thu mua và xuất khẩu cau khô. Những cơ sở lớn, hàng năm xuất khẩu khoảng 500 tấn thì nay cứ 3 ngày mới xuất 1 chuyến hàng, mỗi chuyến chỉ 10 tấn.
Hiện tại, các thương lái lẻ tẻ thu mua cau của các hộ dân trong vùng, nếu thiếu hàng thì sẽ thu mua thêm các khu vực lân cận, giá chỉ đạt khoảng 1/3 năm 2018.
Thị trường Trung Quốc rất khắt khe, giá cả thay đổi từng năm. Trong khi nguồn nguyên liệu không tập trung, phân bố khắp cả nước nên hoạt động thu mua, sơ chế nhiều lúc gặp khó. Đôi khi khó kiểm soát chất lượng cau đầu vào, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến giá cả cho mùa sau.
Để khắc phục, không còn cách nào khác ngoài việc cần có thương hiệu, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, sau đó ký kết hợp đồng với đối tác để ổn định đầu ra. Có như vậy cả người sản xuất và người kinh doanh đều yên tâm.
Bộ Công Thương mở đợt cao điểm kiểm tra đường cát lậu
Theo vietnambiz.vn, Tổng Cục Quản lí thị trường (Bộ Công Thương) cho biết Tổng Cục vừa có công văn gửi Cục Quản lí thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc mở đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các qui định của pháp luật về kinh doanh mặt hàng đường cát cuối năm 2019.
Việc kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố sẽ có sự giám sát của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Thời gian dự kiến thực hiện từ ngày 15/9 đến hết ngày 31/12/2019 tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Đợt kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra việc chấp hành các qui định pháp luật về đăng kí kinh doanh, về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân.
Đồng thời kiểm tra việc chấp hành các qui định khác của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân.
Theo đó, Tổng Cục yêu cầu Cục Quản lí thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch chuyên đề để kiểm tra, ngăn chặn việc lợi dụng sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân nhằm hợp thức hóa đường nhập lậu.
Cũng như lợi dụng hóa đơn chứng từ bán thanh lí mặt hàng đường nhập lậu bị tịch thu của các cơ quan chức năng, hóa đơn mua bán đường trong nước, nhằm mục đích xoay vòng hóa đơn, hợp thức hóa cho các lô hàng đường nhập lậu khác.
Bên cạnh đó cần phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương như Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân ngăn chặn đường nhập lậu qua biên giới.
Vựa dứa Thanh Hóa cần nhà máy chế biến
Thông tin từ vietnambiz.vn, Thanh Hóa hiện có trên 3,3 nghìn ha dứa, diện tích đang có xu hướng tăng nhưng hiện không có nhà máy chế biến đóng trên địa bàn. Do không có mối liên kết bền vững với doanh nghiệp, người trồng dứa Thanh Hóa đang phải đối mặt với quy luật tất yếu của thị trường: Được mùa rớt giá.
Theo bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạch Thành, có thời điểm, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Ninh Bình vào đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua dứa cho nông dân. Tuy nhiên, vì giá thu mua thường thấp hơn thị trường nên nông dân không mặn mà. Bà Phiến cho rằng, để ổn định giá cả và đem lại lợi nhuận cho nông dân, việc thu hút đầu tư một nhà máy chế biến dứa trong thời gian tới là điều hết sức cần thiết.
Đại diện Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, mặc dù người trồng dứa Thanh Hóa đã có ý thức trồng rải vụ và thu hoạch cuốn chiếu nhưng thời điểm đầu vụ, tư thương thu mua ít nên giá dứa thường thấp.
Giá dứa thường cao khi nhu cầu tăng lên, nhất là vào mùa hè. Trước tình hình giá dứa những năm qua xuống thấp, Thanh Hóa đã liên hệ với một số siêu thị, đơn vị thu mua nhưng tình hình cũng không mấy khả quan.
Nguồn: VITIC