Hạt tiêu Việt Nam cạnh tranh với Trung Quốc tại thị trường Hàn Quốc
Vietnambiz.vn đưa tin, Trung Quốc hiện là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam tại Hàn Quốc. Giá tiêu nhập khẩu 3 tháng đầu năm nay của Hàn Quốc giảm ở hầu hết thị trường, nhưng tăng duy nhất từ Trung Quốc. Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh hơn một nửa thị phần tại Hàn Quốc
Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong quí I đạt 3.429 tấn, trị giá 10,91 triệu USD, tăng 57,5% về lượng và tăng 29,4% về trị giá so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Hàn Quốc, tăng 74,9% về lượng và tăng 28% về trị giá.
Trung Quốc là nguồn cung hạt tiêu lớn thứ hai cho Hàn Quốc với lượng 1.201 tấn, trị giá 3,35 triệu USD, tăng 28,5% về lượng và tăng 34,7% về trị giá so với 3 tháng đầu năm 2018. Hiện thị phần hạt tiêu của Trung Quốc tại Hàn Quốc đạt 35% giảm 7,9%. Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ các thị trường khác; trong đó đáng chú ý nhất là hai thị trường Indonesia và Brazil, tốc độ nhập khẩu tăng lần lượt đến 6.300% và hơn 27.000% về lượng.
Mặc dù vậy, thị phần hạt tiêu của Indonesia và Brazil trong tổng lượng nhập khẩu Hàn Quốc chiếm tỷ trọng khá thấp 4,3% và 0,7%.
Thêm cơ hội cho gạo Việt xuất khẩu sang Trung Quốc
Theo vov.vn, các đợt giao thương được kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội cho hạt gạo Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường chủ lực của gạo Việt.
Để tăng lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều Chương trình xúc tiến thương mại gạo theo hướng đổi mới, đa dạng hóa hình thức thực hiện. Trong đó, giai đoạn từ 2016-2018, Bộ đã mời 4 đoàn doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ các tỉnh có nhu cầu tiêu thụ lớn sản phẩm gạo Việt Nam như: An Huy, Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến, Chiết Giang, thành phố Trùng Khánh vào giao dịch mua hàng, thăm quan thực địa tại các địa phương có sản lượng gạo hàng hóa lớn và tập trung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
Đặc biệt, từ ngày 5-10/5/2019, Bộ Công Thương và các đơn vị tổ chức mời đoàn doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc kết nối, giao thương và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại gạo.
Các chương trình này là cơ hội để quảng bá về chất lượng gạo Việt Nam, tiềm năng về sản xuất cũng như giới thiệu cơ sở vật chất, khả năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, được kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội cho hạt gạo Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường chủ lực của gạo Việt.
Tác động thị trường cá tra khi Mỹ tăng thuế chống bán phá giá
Vtv.vn thông tin, mức thuế chống bán phá giá tăng cao sẽ tác động không nhỏ tới thị trường cá tra nước ta, đặc biệt khi cánh cửa để sản phẩm cá tra Việt Nam vào Mỹ hẹp hơn.
Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 đối với các lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017. Đáng nói, mức thuế cuối cùng lại tăng cao hơn nhiều lần so với kết quả sơ bộ.
Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ là một trong những thị trường đứng đầu nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Do đó, mức thuế chống bán phá giá lần này tăng cao sẽ tác động không nhỏ tới thị trường cá tra nước ta, đặc biệt khi cánh cửa để sản phẩm cá tra Việt Nam vào Mỹ hẹp hơn.
Bất lợi nhất là với Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương khi bị DOC tăng mức thuế suất lên đến 3,87 USD/kg, so với kết quả sơ bộ là 0 USD/kg. Ngoài ra, mức thuế suất toàn quốc cũng khá cao, đến 2,39 USD/kg.
Mặc dù kết quả lần này không như kỳ vọng đối với nhiều doanh nghiệp nhưng Việt Nam vẫn còn có đến hai doanh nghiệp lớn là Vĩnh Hoàn và Biển Đông được hưởng thuế chống bán phá giá gần bằng 0. Đây là cơ hội vàng để cá tra nước ta có thể tiếp tục khai thác được thị trường lớn và tiềm năng như Mỹ.
Doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70% ngành dệt may Việt Nam
Theo vneconomy.vn, nếu không có CPTPP thì các doanh nghiệp dệt may nước ngoài sẽ không thể vào Việt Nam cho nên Hiệp định này vừa là thách thức, vừa là cơ hội...CPTPP đưa ra quy tắc xuất xứ chặt nhưng về lâu dài lại gia tăng giá trị nội địa cho hàng xuất khẩu.
Hiện các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70% ngành dệt may, do vậy các nhà đầu tư trong nước cần làm chủ tình hình, thúc đẩy đầu tư trong bối cảnh CPTPP vừa có hiệu lực.
Trước Việt Nam, CPTPP đã có hiệu lực với 6 nước từ ngày 30/12/2018, bao gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Với quy mô 11 quốc gia, Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu.
Theo tính toán, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2030.
Một thách thức khác đang đặt ra đối với ngành dệt may hiện nay là sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp ngoại. Trong 18 năm qua ngành dệt may đạt tốc độ phát triển 15%. Đối với doanh nghiệp, nhiệm vụ sống còn là phải tăng giá trị, phải có vải, chứ không thể mãi dừng lại ở bước gia công. Tuy nhiên, nếu không có CPTPP thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thể vào Việt Nam vì quy mô dệt may của Trung Quốc quá lớn. Cho nên, Hiệp định này vừa là thách thức, vừa là cơ hội.
Cao su xuất khẩu tăng cả lượng và giá trị nhưng thị phần tại Mỹ sụt giảm
Theo vietnambiz.vn, tháng 4, giá cao su trong nước giảm so với cuối tháng 3, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm hơn 22,7% về lượng và 21% về giá trị. Tính chung 4 tháng, xuất khẩu cao su cả nước vẫn tăng cả lượng và giá trị. Xuất khẩu cao su 4 tháng đầu năm 2019, tăng cả lượng và giá trị
Số liệu của Bộ Công thương cho biết, tháng 4, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh giảm so với cuối tháng 3/2019. Ngày 29/4, tại Đắk Lắk giá thu mua mủ cao su nước tại vườn và nhà máy đạt 233 đồng/độ TSC và 238 đồng/độ TSC, giảm 27 đồng/độ TSC so với cuối tháng 3/2019.
Theo ước tính, xuất khẩu cao su trong tháng 4/2019 đạt 80.000 tấn, trị giá 114 triệu USD, giảm 22,7% về lượng và giảm 21% về trị giá so với tháng 3/2019, nhưng tăng 13,4% về lượng và tăng 12,7% về trị giá so với cùng kì năm 2018; giá xuất khẩu bình quân giảm 0,6% so với cùng kì năm 2018, xuống còn 1.425 USD/tấn.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su đạt 421.000 tấn, trị giá 564 triệu USD, tăng 26,1% về lượng và tăng 15,1% về giá trị so với cùng kì năm 2018; giá xuất khẩu bình quân giảm 8,7% so với cùng kì năm 2018, xuống còn 1.341 USD/tấn.
Nguồn: VTIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet