Dưa hấu, thanh long giảm giá 50% vì Trung Quốc giảm mua
Theo haiquanonline.com.vn, nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam như dưa hấu, thanh long, dừa xiêm đã mất giá tới 50%. Nguyên nhân là nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc không ổn định. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ vận chuyển qua lại cửa khẩu đã làm cho đầu ra của trái cây bấp bênh.
Từ tháng 5/2018, phía Trung Quốc bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói. Hiện nay, với trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các yêu cầu về cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, phía Trung Quốc cho phép Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số. Trung Quốc chỉ thông qua mã số chứ chưa tiến hành kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác.
Dù vậy, điểm mấu chốt là khả năng cao phía Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt.
Dự báo, xuất khẩu hàng rau quả những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Ngoài ra, nhiều thị trường tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe như Uỷ ban châu Âu siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, nhiều thị trường ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm dịch thực phẩm, quy trình đóng gói và vận chuyển… cũng sẽ là những yếu tố gây thêm bất lợi cho xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
Thịt gà nhập khẩu gây áp lực với gà nội địa
Vietnambiz.vn đưa tin, theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, trong tháng 8, giá thu mua gà và trứng tại trại giảm do nguồn cung dồi dào. Giá gà thịt lông trắng tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long giảm 1.000 – 2.000 đ/kg, ở mức 24.000 – 25.000 đ/kg.
Giá trứng gà tại trại 1.550 – 1.650 đ/kg, tăng 100 đ/kg so với tháng trước do nhu cầu tăng.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết giá thịt và trứng gà trong thời gian qua ở mức thấp do dịch tả heo khiến nhiều người dân nuôi heo chuyển sang nuôi gà, vịt để tạo nguồn thịt thay thế khiến nguồn cung ngày một tăng. Trong khi đó, giá thịt gà nhập về Việt Nam chỉ 18.000 đồng/kg, cạnh tranh với thịt gà nội địa.
Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nhận định trong tháng qua giá trứng đã chuyển biến tăng trở lại và có thể sẽ duy trì ổn định hơn từ nay cho đến cuối năm, đặc biệt giai đoạn trước Tết Nguyên đán.
Ngành tiêu bị tác động mạnh bởi vòng xoáy giảm giá toàn cầu
Theo thesaigontimes.vn, những tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu vẫn tiếp tục tăng mạnh nhưng điều này không khiến nông dân tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước vui mừng.
Nguồn cung hạt tiêu tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu đã đẩy giá mặt hàng này lao dốc trong thời gian qua. Trong nửa đầu năm 2019 xuất khẩu hồ tiêu đạt 177.000 tấn, trị giá hơn 452 triệu đô la Mỹ, dù tăng hơn 34% về lượng nhưng lại giảm 0,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Sáu tháng đầu năm, tại những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, lượng xuất khẩu hồ tiêu đều tăng mạnh nhưng giá trị mang về lại không bằng năm 2018, thậm chí giảm sâu.
Diện tích hồ tiêu của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 51.000 héc ta năm 2010 lên 153.000 héc ta năm 2017, tức tăng gấp ba lần chỉ sau bảy năm, vượt xa quy hoạch, theo số liệu của Ban Quản lý dự án nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tăng nhanh về sản lượng nhưng không quản lý được chất lượng nên ngành tiêu Việt Nam càng bị tác động nặng nề hơn bởi vòng xoáy giảm giá trên thị trường toàn cầu.
Và trong khi giá bán giảm trên 30%, theo phân tích của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thì chi phí sản xuất năm 2018 của Việt Nam tăng ít nhất 10% so với năm 2017.
Năm năm trước, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. Nhưng hai năm gần đây, vị thế này đang có nguy cơ bị nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia làm lung lay. Brazil, đối thủ cạnh tranh lớn nhất ngành tiêu trong nước, có chất lượng hạt tiêu tốt hơn hẳn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phải làm trong thời gian tới là xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững.
Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ thực hiện thí điểm mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số địa phương trồng hồ tiêu lớn, đáp ứng nhu cầu một số thị trường yêu cầu cao về chất lượng và có thể kiểm soát qua thông tin chỉ dẫn xuất xứ.
Rau quả Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam
Theo vnexpress.net, lượng rau quả trong nước và nhập khẩu về chợ đầu mối giảm trong 7 tháng đầu năm, nhưng hàng nhập từ Trung Quốc lại tăng ở mức 2 chữ số.
Báo cáo của Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP HCM) cho thấy, 7 tháng đầu năm tổng lượng hàng nhập chợ là 730.013 tấn, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mặt hàng trái cây trong nước giảm 17,2% chỉ đạt 265.076 tấn; các loại trái cây ngoại giảm 31% so với cùng kỳ, chỉ riêng trái cây nhập từ Trung Quốc tăng 13,1%, đạt 62.227 tấn, chiếm gần 18% tổng lượng hàng trái cây tiêu thụ tại chợ trong 7 tháng. Các loại trái cây Trung Quốc được ưa chuộng tại Việt Nam là xoài mini, lựu, dưa lưới vàng, nho, mận... Cùng với trái cây, lượng rau nhập từ Trung Quốc cũng tăng 12,4% so với 7 tháng đầu năm ngoái, đạt 51.897 tấn, trong khi mặt hàng rau chung chỉ tăng 1,4%, đạt 328.209 tấn.
Như vậy, 7 tháng đầu năm, chợ đầu mối ở TP HCM tiêu thụ 114.124 tấn rau và trái cây Trung Quốc, chiếm 15,6% tổng lượng hàng về chợ, dẫn đầu thị trường nông sản nhập khẩu. Theo lãnh đạo Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, các loại nông sản từ Trung Quốc được tiêu thụ mạnh vì giá rẻ hơn nhiều so với hàng Việt.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, dù Trung Quốc vẫn là một trong số nhóm nước có nguy cơ cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng quá trình kiểm tra, lấy mẫu, cơ quan kiểm tra nhận thấy đa số chưa vượt ngưỡng quy định nên các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong nước vẫn được nhập bán với số lượng lớn. Riêng những mẫu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý bắt giữ tiêu hủy hoặc tái xuất lại thị trường Trung Quốc.
Giá đường trong nước rất thấp trong 10 năm qua
Theo vietnambiz.vn, giá đường tháng 8 có xu hướng giảm nhẹ, đường lậu vào nhiều ở khu vực miền Trung và miền Nam. Năm 2019, giá bán đường trong nước xuống mức rất thấp trong 10 năm qua, sản lượng đường vụ 2019/2020 dự kiến trên dưới 1 triệu tấn.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá đường thế giới giao kì hạn tại London trong tháng này đã từ mức 330,1 USD/tấn (1/8) sau đó giảm xuống mức 313,1 USD/tấn (7/8), 311,05 USD/tấn (27/8) và giảm xuống 306,45 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ đầu năm đến ngày 30/8.
Tại Việt Nam, giá bán buôn đường tháng 8 có xu hướng chững lại và giảm nhẹ, có thể do nhu cầu tiêu dùng đường cho sản xuất bánh trung thu đã qua dịp cao điểm. Đồng thời, đường lậu vào nhiều ở khu vực miền Trung và miền Nam, nếu ngăn chặn không hiệu quả sẽ tiếp tục gây khó lớn cho các nhà máy đường trong nước.
Dù là tháng giáp vụ, nhưng giá đường trong nước ít có khả năng biến động lớn do nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu và tác động của giá đường thế giới đang ở mức thấp.
Niên vụ 2019/2020, Nhà máy đường Nước Trong có kế hoạch chuyển sang sản xuất đường Organic, nhiều nhà máy sẽ vào vụ chậm hơn mọi năm.
Năm 2019, giá bán đường trong nước xuống mức rất thấp trong 10 năm qua (10.500 – 12.300 đ/kg) sẽ tác động không tốt đến giá mía niên vụ 2019/2020, điều này không khuyến khích được nông dân đầu tư chăm sóc, trồng mía.
Cùng với diễn biến bất lợi của thời tiết trong hai năm qua, diện tích mía niên vụ 2019/2020 sụt giảm nghiêm trọng (theo báo cáo của một số nhà máy đường, diện tích mía có nơi giảm 20 – 30%). Sản lượng đường vụ 2019/2020 dự kiến ở mức thấp, khả năng trên dưới 1 triệu tấn.
Cảnh báo 13 mặt hàng VN nguy cơ bị hàng Trung Quốc 'núp bóng'
Theo plo.vn, danh sách cảnh báo lần đầu gồm 13 mặt hàng xuất khẩu sang ba thị trường là Mỹ, EU và Canada.
Bộ Công Thương phân loại theo bốn mức độ cảnh báo. Các sản phẩm ở mức 4 và 3 là nhóm mặt hàng cần tiến hành theo dõi chặt chẽ, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp liên quan. Nhóm sản phẩm ở mức cảnh báo 2 và mức 1 là nhóm cần quan tâm và tiếp tục theo dõi.
Gỗ dán là mặt hàng có nguy cơ cao "núp bóng" xuất sang Mỹ. Gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng: Mức độ cảnh báo là mức 4 - cao nhất. Tháng 11-2018, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại bằng hình thức chuyển tải đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở nghi ngờ Công ty Finewood Việt Nam có các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Từ tháng 10-2018 đến năm tháng đầu năm 2019, Mỹ đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ dán nên USITC không công khai số liệu một số sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu cao từ Trung Quốc và Việt Nam để đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vạ lây vì bị hàng Trung Quốc núp bóng nguy cơ bị Mỹ, EU điều tra chống lẩn tránh thuế. Danh sách cảnh báo có bảy sản phẩm cảnh báo mức 3 đó là đá nhân tạo, giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn.
Nguyên do có sự gia tăng đột biến trong kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đối với sản phẩm đệm từ Việt Nam, sản phẩm này có khả năng xảy ra nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá hoặc chống lẩn tránh thuế.
Các sản phẩm được cảnh báo trên của Việt Nam đều là những mặt hàng mà Trung Quốc xuất khẩu nhiều sang Mỹ. Tuy nhiên, sau khi bị Mỹ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và áp thuế rất cao, nhận thấy lượng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm nhưng từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng nên Mỹ nghi ngờ hàng Trung Quốc "núp bóng" xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh thuế.
Các sản phẩm ở mức cảnh báo 2 là vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp. Các sản phẩm ở mức cảnh báo 1 gồm thép chống ăn mòn, ruy băng trang trí.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet