1. Thép
Trong năm 2015, các doanh nghiệp xuất khẩu thép “điêu đứng” vì bị khởi xướng điều tra bán phá giá theo đơn kiện của một số doanh nghiệp nước ngoài. Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, chỉ trong tháng 9, ba thị trường Đông Nam Á là Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thép Việt Nam.
Tiếp đó, sản phẩm ống thép dẫn dầu của Việt Nam bị Cơ quan biên mậu Canada quyết định gia hạn thời gian đưa ra kết luận cuối cùng.
Ở thị trường Mỹ, thép Việt Nam bị kiện bán phá giá tới 6 lần trong năm 2015. Gần đây nhất, vào đầu tháng 11, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sản phẩm bị điều tra được nêu trong đơn kiện với biên độ phá giá phía nguyên đơn cáo buộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ở mức rất cao là 103.83%.
2. Tôn 
Ngoài thép, tôn là mặt hàng xuất khẩu bị điều tra chống bán phá giá trong năm 2015. Gần đây nhất, vào ngày 11/9, Cục Ngoại thương (DFT) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan đã đăng công báo quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn lạnh và tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó, DFT đã nhận được đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn lạnh và tôn màu của nguyên đơn là Công ty NSW. Bluescope đối với hai sản phẩm trên. Công ty NSW. Bluescope cáo buộc sản phẩm tôn lạnh và tôn màu với biên độ phá giá lần lượt là 89.58% và 86.04%. Được biết, đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 của Thái Lan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Vào tháng 4/2015, sản phẩm tôn phủ màu từ Việt Nam và Trung Quốc cũng bị điều tra sau khi Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) nhận được đơn kiện của Công ty FIW Steel Sdn. Bhd. Theo kết luận sơ bộ, mức thuế chống bán phá giá xác định cho mặt hàng tôn phủ màu nhập khẩu từ Việt Nam là 5,68% đến 16,45% và mức thuế này được áp dụng tạm thời từ ngày 26/9/2015 đến 23/1/2016.
3. Cá tra
Trong danh sách những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống bán phá giá năm 2015 không thể không nhắc tới cá tra. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (FSIS) đã thông báo về quyết định triển khai chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, kể từ tháng 3/2016, cá tra muốn xuất khẩu vào Mỹ phải tuân thủ toàn bộ quy trình “tạo ra sản phẩm” từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng phải được thực hiện theo “kiểu Mỹ”. 
Trước đó, ngay từ đầu năm, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR10), giai đoạn từ ngày 1/8/2012 đến 31/7/2013 đối với sản phẩm cá tra phile đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra nhiều lập luận để thuyết phục, tuy nhiên DOC vẫn đưa ra mức thuế thiếu công bằng và bất hợp lý với mức thuế gần 1 USD/kg.
Vào giữa tháng 9/2015, DOC tiếp tục ra phán quyết sơ bộ mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra philê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này trong giai đoạn 1/8/2013 đến 31/7/2014. Theo đó, mức thuế mà hai bị đơn bắt buộc là HUNG VUONG CORP và TAFISHCO lần lượt là 0,36 USD/kg và 0,84 USD/kg. 16 công ty là bị đơn tự nguyện trong đợt xem xét lần này chịu mức thuế là 0,6 USD/kg. 
4. Sợi
Bên cạnh các mặt hàng tôn thép, cá tra, sợi cũng là mặt hàng chịu nhiều “thua thiệt” khi xuất khẩu sang nước ngoài. Trong năm 2015, Tổng vụ Nhập khẩu, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo về việc nhận được đơn khiếu nại từ ngành sản xuất nội địa với nội dung cáo buộc là hàng hóa nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ với giá thấp hơn giá trị thông thường, gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất trong nước. 
Cơ quan này cho biết xét thấy đơn kiện có đủ chứng cứ cần thiết để khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sợi dún polyester nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Với mặt hàng này, hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang áp thuế chống bán phá giá  với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Malaysia với mức thuế từ 48 - 351 USD/tấn, trong thời gian 5 năm kể từ ngày 17/12/2014.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, đây là lần thứ ba Thổ Nhĩ Kỳ kiện chống bán phá giá mặt hàng sợi nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó, nước này đã kiện và áp thuế chống bán phá giá sợi nhân tạo tổng hợp và sợi vải bạt polyethylene/polypropylene nhập khẩu từ Việt Nam. 
5. Gỗ 
Mặt hàng gỗ tấm MDF và gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam cũng không tránh khỏi kiện tụng. Chỉ riêng trong tháng 5/2015, sản phẩm gỗ xuất khẩu liên tiếp bị điều tra chống bán phá giá. 
Theo Tổng vụ Chống bán phá giá và chống trợ cấp (DGAD) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, sản phẩm gỗ tấm MDF nhập khẩu Việt Nam bị điều tra bắt đầu từ ngày 7/5/2015. Nguyên đơn trong vụ kiện lần này là Công ty Greenply Industries Ltd và Công ty Mangalam Timber Products Ltd.
Tiếp đó, mặt hàng gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam cũng bị Tổng vụ Nhập khẩu, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Điều tra này được Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng vào ngày 27/5/2015 đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam và Bulgaria vào thị trường này từ năm 2010 đến nay.
Việc điều tra được tiến hành nhằm xem xét liệu có khả năng gỗ dán từ Trung Quốc được chuyển sang Việt Nam và Bulgaria vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ nhằm né tránh thuế chống bán phá giá mà quốc gia này đang áp dụng cho gỗ dán Trung Quốc hay không.
6. Pin khô AA
Sản phẩm pin khô AA của Việt Nam nằm trong danh sách bị điều tra chống bán phá giá. Hiệp hội các nhà sản xuất pin khô Ấn Độ cáo buộc rằng, lượng nhập khẩu đã tăng mạnh từ các nước bị điều tra, đe dọa, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất của Ấn Độ. Giai đoạn điều tra từ 1/4/2014 đến 31/3/2015.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, đối với Việt Nam, do không thể có được thông tin đáng tin cậy về giá nội địa nên nguyên đơn yêu cầu tính giá trị thông thường trên cơ sở giá sản xuất của Ấn Độ sau khi đã điều chỉnh hợp lý giá quốc tế của nguyên liệu thô chính.
Trước đó, Ấn Độ đã áp thuế với mặt hàng nêu trên từ Trung Quốc với mức thuế tương đương với mức chênh lệch giữa 75,25 USD/1.000 sản phẩm và giá nhập khẩu từ Trung Quốc/1.000 sản phẩm.
7. Săm lốp 
Vào tháng 8/2015, mặt hàng săm lốp xe máy nhập khẩu từ Việt Nam bị Tổng vụ Nhập khẩu, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá cùng với sản phẩm tương tự tại Trung Quốc, Sri Lanka và Đài Loan. 
Bộ Kinh Tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này đã nhận được những đơn yêu cầu tiếp tục biện pháp chống bán phá giá với lý do nếu dừng biện pháp này lại thì ngành sản xuất nội địa sẽ tiếp tục bị thiệt hại đáng kể.

Theo: TUYẾT NHUNG

Bizlive

Nguồn: bizlive.vn