Với việc thực thi Hiệp định EVFTA, EU đã xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 – 11% xuống 0%), các loại cà phê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0% vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực ngày 1/8.  
Đồng thời, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi có chỉ dẫn địa lý về cà phê. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.
"Trong thời gian tới, ngành cà phê Việt Nam sẽ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU, đặc biệt các tiêu chuẩn về chất lượng và phát triển bền vững, đưa Việt Nam là điểm tham chiếu cho cà phê robusta toàn cầu", Bộ NN&PTNT nhận định.
Trong thời gian vừa qua, một loạt chương trình/dự án lớn đã được triển khai hiệu quả trong ngành cà phê như Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020; Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020; Đề án phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao (từ năm 2018-2023 và tầm nhìn 2030).
Ngành cà phê cũng là ngành tiên phong trong hợp tác công – tư cho phát triển bền vững với sự tham gia của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Trong 5 năm vừa qua, Việt Nam đã tái canh khoảng 130.000ha cà phê già cỗi (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 120.000ha). Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát diện tích cà phê già cỗi để tái canh trong thời gian tới.
Tỉ lệ cà phê có xác nhận canh tác bền vững đã tăng lên ở mức 60% tổng diện tích canh tác. Tỉ lệ cà phê chế biến tăng từ mức 5% năm 2015 lên đến 15% năm 2020.
Hiện nay, Bộ cũng đang tích cực chuẩn bị Đề án phát triển cà phê đặc sản, phát triển công nghiệp chế biến sâu cà phê, và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm cà phê Việt Nam.
Cùng với những nỗ lực đó, việc triển khai EVFTA có hiệu lực từ 1/8 đã bước đầu cho thấy những kết quả tích cực.
Tháng 8, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.

Nguồn: Kinh tế và Tiêu dùng