Trong khi đó, Trung Quốc - vốn bị coi là “tội đồ” đẩy giá hàng hóa cơ bản sụt giảm do sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế nước này - hóa ra lại chính là nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ sự lao dốc giá nguyên vật liệu thô.

Theo hãng tin Bloomberg, ông Kenneth Courtis, cựu Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của ngân hàng Goldman Sachs ước tính, giá hàng hóa cơ bản sụt giảm đang giúp Trung Quốc tiết kiệm mỗi năm khoảng 460 tỷ USD.

Trong đó, 320 tỷ USD là số tiền mà Trung Quốc tiết kiệm được từ giá dầu giảm, và phần còn lại đến từ sự giảm giá của các nhiên liệu khác, kim loại, than, và hàng nông sản.

Những lợi ích của giá hàng hóa cơ bản rẻ đang lan tỏa khắp nền kinh tế Trung Quốc, giúp làm giảm hoặc bình ổn giá cả mọi mặt hàng, từ thiết bị sưởi ấm trong nhà và giá xăng cho tới chi phí nguyên vật liệu đầu vào tại các nhà máy.

Giá hàng hóa cơ bản giảm sâu cũng hỗ trợ tích cực cho các nỗ lực của Trung Quốc nhằm tái cân bằng mô hình tăng trưởng kinh tế của nước này, dịch chuyển từ chỗ phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư và các ngành công nghiệp nặng sang lấy tiêu dùng và dịch vụ làm chính.

“Điều này thể hiện qua lạm phát tiêu dùng ở mức thấp và việc ngày càng có nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm giá”, ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á thuộc công ty Oxford Economics ở Hồng Kông, một cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bắc Kinh, nhận xét. “Các công ty sản xuất của Trung Quốc sẽ còn chứng kiến sự suy giảm lợi nhuận tồi tệ hơn, nếu giá hàng hóa cơ bản không giảm”.

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, năm ngoái, nước này tiết kiệm được 188 tỷ USD chi phí nhập khẩu đối với một rổ gồm 10 hàng hóa cơ bản từ dầu cho tới đậu tương và khí đốt.

“Nhờ đó, chi phí sản sản xuất của các công ty trong nước được cắt giảm mạnh, trong khi hiệu quả được cải thiện”, một phát ngôn viên của bộ này nói.

Thông qua giúp kiềm chế lạm phát, giá hàng hóa cơ bản sụt giảm còn tạo cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dư địa lớn hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năm ngoái, GDP Trung Quốc chỉ tăng 6,9%, mức tăng thấp nhất 25 năm.

Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu giảm cũng giúp thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng mạnh lên mức 594,5 tỷ USD trong năm 2015, theo đó giảm bớt tác động tiêu cực từ sự tháo chạy của các dòng vốn - nhân tố gây áp lực mất giá đối với Nhân dân tệ.

Tranh thủ giá dầu rẻ, Trung Quốc đã nhập khối lượng dầu lớn kỷ lục trong năm 2015 nhằm tích trữ và phục vụ cho nhu cầu gia tăng của các công ty lọc dầu độc lập. Ngoài ra, trong năm ngoái, Trung Quốc còn nhập khẩu khối lượng kỷ lục quặng sắt, đậu tương, và đồng.

“Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn từ sự giảm giá của hàng hóa cơ bản. Một phần không nhỏ trong lợi ích này đang rơi vào người dân Trung Quốc”, ông Courtis, hiện là Chủ tịch của Starfort Holdings, nhận định.

Theo: Anh Huy - vneconomy