Tại miền Bắc giá phổ biến trên 70.000 đ/kg
Các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên giá lợn hơi dao động 68.000 - 74.500 đ/kg; Hưng Yên phổ biến ở mức 72.000 - 73.000 đ/kg, nhưng có nơi vẫn lên đến 76.000 đ/kg; tại Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ lợn hơi được thu mua ở mức 70.000 - 73.000 đ/kg; Sơn La, Ba Vì 71.000 - 73.000 đ/kg. Một số địa phương như Ninh Bình, Nam Định giá ổn định 68.000 - 69.000 đ/kg. Tính chung toàn miền, giá lợn trung bình ở quanh mức 71.000 đ/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 10/2019 ước đạt 55 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2019 lên 568 triệu USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Với mức 70.000 - 75.000 đ/kg, giá lợn hơi hôm nay ở miền Bắc tiếp tục giữ vững kỷ lục cao nhất trong ba năm trở lại đây. Hiện nay, lượng lợn từ miền Nam chuyển ra phía Bắc đã giảm mạnh, do giá lợn hơi ở miền Nam đã gần bằng với mức giá miền Bắc, cộng thêm phí vận chuyển thì sẽ không có lãi.
Giá thịt lợn tại chợ đã lên đến 120.000 - 130.000 đ/kg, khiến người mua có tâm lý e ngại, mua ít hoặc chuyển sang các thực phẩm khác nên lượng bán chậm hơn. Các ngành chức năng lo ngại là giá lợn hơi tăng phi mã, khó kiểm soát có thể khiến nảy sinh tâm lý giấu dịch nếu dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát.
Tại huyện Quốc Oai (Hà Nội), hiện tổng đàn lợn đã giảm từ 70.000 con xuống còn 20.000 con, chủ yếu tập trung ở các trang trại chăn nuôi lớn hoặc nuôi gia công cho doanh nghiệp.
Theo Sở NNPTNT TP.Hà Nội, mặc dù hiện tại giá lợn hơi đang tăng cao nhưng người dân cần phải tuân thủ đúng quy định tái đàn và khai báo; không được giấu dịch, tự ý giết mổ lợn bệnh để bán thịt làm dịch lây lan, bùng phát dịch trở lại.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá ổn định
Mặc dù đã có sự cải thiện trong tuần trước, song giá tại khu vưc vẫn có sự chênh lệch giữa khu vực Bắc và Nam Trung Bộ; Cụ thể, nhiều tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ đã xuất hiện mức giá trên 70.000 đ/kg như Thanh Hoá, Nghệ An; còn lại giá dao động trong khoảng 57.000 - 65.000 đ/kg; trong khi đó, mức giá phổ biến của khu vực Nam Trung Bộ là 59.000 - 60.000 đ/kg. Như vậy, chênh lệch về giá giữa hai khu vực lên tới 10.000 đ/kg.
Điều đáng lo ngại ở các địa phương này là dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu quay trở lại; Đơn cử, tại huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk), sau gần 4 tháng xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, trên địa bàn huyện đã phát hiện 24 hộ có lợn bị bệnh thuộc 21 thôn, buôn, buộc phải tiêu hủy 507 con với tổng trọng lượng 24.466 kg. Hiện dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan trên diện rộng.
Tại Quảng Nam, mặc dù đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tái diễn trên đàn lợn ở nhiều địa phương của huyện Thăng Bình; Cụ thể, theo UBND xã Bình Định Bắc (Thăng Bình), dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn vào ngày 4/6/2019, thì đến ngày 23/9/2019 đã tạm ngưng. Tuy nhiên sau 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới thì đến ngày 24/10/2019, dịch bệnh tiếp tục xảy ra tại 2 hộ của thôn Đồng Dương.
Tại miền Nam giá ở mức cao
Công ty chăn nuôi CJ VINA thông bố điều chỉnh tăng giá lợn hơi thêm 2.000 đ/kg tại Đồng Nai, lên 65.500 - 66.500 đ/kg; còn tại các trại dân, giá không thay đổi nhiều so với cuối tuần trước. Trong đó, TP HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương dao động 61.000 - 62.000 đ/kg; tại An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng giá lợn được giao dịch quanh mức 60.000 đ/kg.
Công ty cổ phần chăn nuôi C.P chi nhánh miền Nam cũng liên tục tăng giá bán lợn hơi tại trại, hiện giá lợn siêu nạc tại các kho của doanh nghiệp Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước đạt 62.000 - 63.000 đ/kg. Tuy nhiên, giá bán trong các hộ dân có nơi đang cao hơn giá của doanh nghiệp. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá lợn hơi cũng liên tục tăng "phi mã", hiện dao động từ 62.000 - 65.000 đ/kg.
Khu vực miền Tây, giá lợn hơi cao nhất là tại Cần Thơ, hiện đạt 63.000 đ/kg; Tiền Giang, Bến Tre giá lợn hơi cũng tăng lên 62.000 đ/kg. Long An, Cà Mau, dao động trong khoảng 60.000 – 61.000 đ/kg.
Giá lợn hơi tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã rục rịch tái đàn. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn có nguy cơ tái phát, các địa phương của Đồng Nai đều tăng cường công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh, nhất là tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thận trọng trong việc tái đàn.
Nguồn: VITIC