Nhìn chung, giá khí thiên nhiên giảm trong năm qua đã cho phép các nhà sản xuất cũng như các nhà phân phối urê duy trì lợi nhuận mặc dù giá bán phân bón giảm. Yếu tố này khiến cho tăng trưởng nguồn cung phân bón đang vượt quá tăng trưởng nhu cầu, dẫn đến tình trạng giá phân bón thấp kéo dài trong năm 2016.

Tuy giá bán buôn phân urê đầu năm 2016 giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận thực tế của các nhà kinh doanh phân urê tại Mỹ lại cao hơn. Đặc biệt, từ tháng 7-2015 lợi nhuận của các nhà bán lẻ tương đối ổn định, mặc dù giá urê giảm mạnh.

Tác động của giá khí thiên nhiên

Giá khí thiên nhiên thấp hơn giúp giảm đi sự chênh lệch giữa giá hòa vốn của các nhà sản xuất phân đạm với giá thành cao tại châu Á và các nhà sản xuất phân đạm với giá thành thấp tại Mỹ. Giá khí thiên nhiên giảm khiến cho chi phí sản xuất phân bón thấp hơn và ít dao động hơn so với các năm trước. Từ đầu năm 2015, sự chênh lệch giữa giá thành sản xuất phân bón tại châu âu và Mỹ đã giảm đi khoảng một nửa, nhờ đó giúp cho ngành sản xuất phân bón tại các khu vực với chi phí cao như châu âu duy trì năng lực cạnh tranh.

Những phát triển trên thị trường năng lượng trong năm 2015 đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết cho việc xác định hướng đi của giá phân bón. Trên thực tế, năm 2015 quan hệ giữa giá khí thiên nhiên và giá urê đã được củng cố vững chắc hơn.

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng năng lượng ngắn hạn, Cục quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá khí thiên nhiên sẽ đạt trung bình 2,65 USD/MMBtu trong năm 2016, hầu như không thay đổi so với năm 2015. Theo cơ quan này, sự tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là từ khu vực công nghiệp, sẽ hỗ trợ cho giá khí thiên nhiên trong năm 2016.

EIA dự báo sản lượng khí thiên nhiên sẽ chỉ tăng trưởng ở mức thấp, khiến cho giá nhiên liệu này sẽ tăng nhẹ và đạt 3 USD/MMBtu vào cuối năm nay, đồng thời sẽ tăng tiếp trong năm 2017, đạt 3,22 USD/MMBtu.

Hai kịch bản cho giá phân urê

Nếu dự báo của EIA về giá khí thiên nhiên trong các năm 2016 và 2017 là chính xác thì có hai kịch bản có thể xảy ra đối với giá phân urê. Kịch bản thứ nhất là giá phân urê sẽ tiếp tục theo sát xu hướng giá khí thiên nhiên, có nghĩa là sẽ tăng dần trong thời gian 1 năm từ những mức giá thấp hiện tại. Kịch bản thứ hai là nhu cầu yếu sẽ khiến cho giá phân urê giảm tiếp, đồng thời giá khí thiên nhiên tăng làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất và cuối cùng sẽ buộc một số nhà sản xuất với giá thành cao phải ngừng hoạt động. Điều đó cuối cùng sẽ dẫn đến giá phân bón tăng cao hơn khi cân bằng cung cầu được lập lại.

Theo cả hai kịch bản nêu trên, giá phân bón cuối cùng sẽ được cải thiện, vấn đề chỉ còn là sau thời gian bao lâu.

Nhiều khả năng là nhu cầu phân đạm của người nông dân sẽ suy giảm do giá nông sản thấp và tình trạng cung vượt cầu trên thị trường ngũ cốc, đồng thời các dây chuyền sản xuất phân urê mới sẽ được đưa vào vận hành tại Mỹ và các nước Vùng Vịnh trong năm nay. Do đó, khả năng xảy ra kịch bản thứ hai (giá phân urê giảm xuống thấp hơn) sẽ cao hơn kịch bản thứ nhất.

Mặt khác, sự tăng giá của đồng đôla Mỹ so với hầu hết các tiền tệ quốc tế khác khiến cho vai trò của tỷ giá hối đoái đã tăng lên trong thời gian gần đây. Tính theo tiền tệ địa phương, các nhà nhập khẩu phân bón từ bên ngoài nước Mỹ không được hưởng những lợi ích của giá phân bón thấp hơn tính theo USD do đồng nội tệ trong nước của họ suy yếu.

Theo báo cáo ước tính cung cầu nông sản thế giới do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành đầu năm 2016, sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong niên vụ 2015/2016 được dự báo sẽ giảm xuống 967,93 triệu tấn so với mức 1.008,52 triệu tấn trong niên vụ trước. Sản lượng ngũ cốc của Mỹ được dự báo sẽ giảm 4%/năm, xuống còn 345,49 triệu tấn.

Nhìn chung, sản lượng ngũ cốc sẽ bị ảnh hưởng bởi giá nông sản thấp, điều kiện thời tiết kém thuận lợi và dự trữ ngũ cốc cao trên toàn cầu. Đây là tin tức bất lợi đối với các nhà sản xuất phân urê, vì sản lượng ngũ cốc cao thường kéo theo nhu cầu phân urê.

USDA dự báo giá ngũ cốc trung bình sẽ đạt 3,30 - 3,90 USD/giạ trong niên vụ 2015/2016, tương đương giá trung bình 3,70 USD/giạ trong niên vụ trước. Như vậy, người nông dân Mỹ sẽ lại phải tiếp tục nỗ lực vất vả để đạt được lợi nhuận, do đó họ sẽ cắt giảm tối đa chi phí sản xuất. Theo USDA, thu nhập của nông dân Mỹ dự kiến giảm khoảng 36% trong năm 2015, đây là mức sụt giảm hàng năm lớn nhất kể từ thập niên 1980.

Nhìn chung, tình trạng nhu cầu yếu và cung vượt cầu vẫn tiếp diễn trong năm 2016 sẽ khiến cho tình hình trên thị trường phân urê khó được cải thiện. Nếu giá phân urê giảm trong khi giá khí thiên nhiên tăng đồng thời trong năm 2016, các nhà sản xuất phân urê sẽ thực sự phải chứng kiến sự suy giảm của biên lợi nhuận. Tình trạng đó cuối cùng sẽ buộc một số nhà sản xuất giá thành cao phải ngừng hoạt động. Về dài hạn, điều đó sẽ có lợi cho giá phân urê, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là trước mắt giá phân bón sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức thấp trong một thời gian nữa.

Nguồn: Vinachem/Công nghiệp hóa chất số 8-2016