Được mùa được giá
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2019 - 2020 triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa năm 2020 tại các tỉnh, thành Nam Bộ diễn ra sáng nay 27/3, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, mặc dù xâm nhập mặn vô cùng khốc liệt nhưng nhờ triển khai tốt các giải pháp ứng phó, nông dân đã có một vụ Đông Xuân được mùa được giá.
Thống kê cho thấy, diện tích lúa Đông Xuân của tỉnh Kiên Giang đạt 289.837 ha, vượt 743 ha so với kế hoạch đặt ra. Đến nay, tỉnh đã thu hoạch được 93% diện tích, năng suất bình quân 7,24 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 1,924 triệu tấn; tăng 0,3 tấn/ha về năng suất và 104.712 tấn về sản lượng so với vụ Đông Xuân 2018 - 2019.
“Trong cơ cấu giống lúa của tỉnh, các loại giống chất lượng cao chiếm 93,65%, diện tích sử dụng giống xác nhận các cấp tương đương khoảng 76,46%. Chúng tôi đã liên kết xây dựng 34 cánh đồng lớn, có 19.000 ha có sự tham gia của doanh nghiệp trong tiêu thụ lúa gạo”, ông Nhịn cho biết thêm.
Tương tự câu chuyện của Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Tuyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, dù hạn mặn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn vụ Đông Xuân 2015 - 2016 nhưng vụ Đông Xuân 2019-2020 của tỉnh Long An vẫn đạt được nhiều thắng lợi.
Năng suất lúa khá cao, 60,4 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 2018- 2019. Vì vậy, vụ Đông Xuân 2019-2020 dù diện tích giảm hơn 4.000 ha nhưng sản lượng chung chỉ giảm 10.000 tấn. Đặc biệt, giá lúa ổn định, giúp nông dân có lãi trên 30%.
Tại TP Cần Thơ, hiện vụ Đông Xuân 2019 – 2020 đã thu hoạch gần xong, so với vụ đông xuân 2018 – 2019 năng suất tăng 0,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 1,3 triệu tấn. Với giá lúa như hiện nay, nông dân lãi trên 40%.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên được mùa, được giá. Liên kết của nông dân với doanh nghiệp rất hiệu quả. Đến nay, lương thực trong dân các doanh nghiệp đã thu mua hết”.
Mọi tình huống đều đảm bảo an ninh lương thực
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ Đông Xuân 2019-2020 là 1,618 triệu ha, giảm 68.500 ha so với vụ trước nhưng năng suất ước đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt 11,09 triệu tấn, giảm 261.000 tấn so với vụ Đông Xuân 2018–2019.
“Việc xây dựng các kịch bản cụ thể, chi tiết, phù hợp thực tiễn cho từng địa bàn sản xuất; tăng giảm diện tích linh hoạt theo dự báo nguồn nước; chuyển đổi cây trồng phù hợp; xuống giống sớm hơn 20-30 ngày; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp theo từng cánh đồng, từng vùng sinh thái,… là những giải pháp cơ bản làm nên một vụ Đông Xuân thắng lợi”, ông Cường nhận định.
Để đạt mục tiêu sản xuất lúa cả năm nay đạt 43,5 triệu tấn thóc theo kế hoạch, các đại biểu cho rằng, đối với sản xuất vụ Hè thu, Thu đông và vụ Mùa tới đây cần chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của vụ Hè Thu có tính toán đến sản xuất của các vụ Thu Đông và vụ Mùa một cách hợp lý, căn cứ vào tình hình cung cấp nước cho sản xuất.
Đồng thời xây dựng kế hoạch thời vụ chặt chẽ đối với từng tiểu vùng sinh thái, có giải pháp ứng phó với các điều kiện khó khăn, diễn biến bất thường của thời tiết, khí tượng thủy văn ổn định sản xuất trồng trọt.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo sản xuất là tập trung giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng địa phương và toàn vùng về lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước.
Hạn mặn còn diễn biến phức tạp nhất là cuối vụ Đông Xuân và kể cả đầu vụ Hè Thu, cho nên phải đưa ra những kịch bản đến giải pháp chi tiết và cụ thể nhưng phải điều hành linh động và điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế. Đối với vụ Hè thu phải chia ra làm 2 vùng, đối với vùng ngọt đẩy mạnh xuống giống sớm.
“Đối với những vùng ven biển đang chịu hạn mặn nguyên tắc là phải để hết mặn, phải có một thời gian là thau chua, rửa mặn để xuống giống, dứt khoát không xuống giống nếu không an toàn, nhất là trong bối cảnh phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19), phải đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực, nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.
Vụ Hè Thu 2020, toàn vùng Nam bộ gieo sạ 1,627 triệu ha, năng suất ước đạt 56,41 tạ/ha, sản lượng 9,181 triệu tấn. Trong đó, vùng ĐBSCL gieo sạ 1,539 triệu ha. Vụ Thu Đông 2020, vùng ĐBSCL gieo sạ 750.000 – 800.000 ha; năng suất ước đạt 55,35 tạ/ha; sản lượng 4,1 triệu tấn.

Nguồn: Haiquanonline