Giá cà phê có xu hướng tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung
Thông tin từ vtv.vn, gần đây, giá cà phê có xu hướng tăng nhẹ dù Việt Nam đang bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Brazil và Việt Nam hiện là hai quốc gia sản xuất chiếm hơn một nửa lượng cà phê của thế giới. Trong đó, sản lượng cà phê niên vụ 2018 -2019 của Brazil giảm 10,5% so với niên vụ trước đó. Việc dự báo thiếu hụt nguồn cung của Brazil kéo giá cà phê Arabica (cà phê chè) tăng, cà phê Robusta (cà phê vối) cũng tăng theo. Ngoài ra, do nhu cầu cà phê hòa tan của một số thị trường mới nổi cũng tăng lên kéo giá cà phê Robusta đi lên.
Sản lượng dự báo thiếu hụt trong khi cầu đang tăng khiến cho giá cà phê thế giới tăng, nhưng chỉ tăng nhẹ, đây là tín hiệu tích cực với mặt hàng cà phê xuất khẩu trong thời gian tới. Trước đó, trong thời gian dài, giá cà phê đi xuống đã khiến rất nhiều nông dân hạn chế đầu tư cho vụ mùa mới.
Chế biến sâu: "Chìa khóa" nâng cao giá trị cà phê
Theo congthuong.vn, cà phê là mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, hiện được xuất khẩu sang hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam lại chiếm tỷ trọng lớn 92%, chỉ 8% cà phê được chế biến sâu. Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao nâng chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm, xuất khẩu bền vững doanh nghiệp (DN) cà phê thay vì xuất khẩu sản phẩm thô, thì cần đầu tư cho công nghệ chế biến sâu, sản xuất ra những sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao.
ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại - Chủ tịch Hiệp Hội cà phê - Cacao Việt Nam cho biết, với 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương đã ký kết, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với cà phê nhân của Việt Nam vào các nước nhập khẩu đều bằng 0, trừ một số nước còn duy trì mức thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 5 - 10% đến năm 2020. Các DN cần nâng cao năng lực sản xuất chế biến chuyên sâu, nâng cao chuỗi giá trị, thương hiệu cà phê Việt trên thị trường quốc tế, đây là cơ hội mở ra thị trường rộng lớn cho ngành cà phê rang xay và cà phê hòa tan của Việt Nam. Các DN cần tận dụng cơ hội này nâng cao năng lực sản xuất chế biến chuyên sâu, nhằm nâng cao chuỗi giá trị, thương hiệu cà phê Việt trên thị trường quốc tế.
Để đạt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, hiện nay Hiệp hội đang đang kêu gọi các DN đầu tư vào công nghệ rang xay và cà phê hòa tan, để nâng cao chuỗi giá trị và hướng tới xuất khẩu bền vững. Trong 10 năm tới việc đầu tư công nghệ chế biến sâu sẽ giúp nâng tỷ trọng xuất khẩu cà phê chế biến lên 20%.
Tìm cách tăng năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt
Theo nongnghiep.vn, Hội nghị ISG 2019 với nội dung phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt mới được tổ chức tại Hà Nội.
Hiện nay, nông sản Việt Nam đã đi đến 185 nước trên thế giới với giá trị trên 40 tỷ USD mỗi năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng đây là một bước tiến lớn nhưng vấn đề là hầu hết những thị trường đã mở lại chưa bền vững. Do đó, ông hy vọng ISG 2019 sẽ giúp Việt Nam có được nhiều kinh nghiệm hay cũng như khuyến nghị, ý kiến đề xuất để phát huy tốt hơn tiềm năng, cơ hội của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2019, ví dụ như dịch tả lợn châu Phi nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 33 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2018. Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để tăng cường khả năng cạnh tranh, phù hợp với tính biến đổi không ngừng của thị trường quốc tế.
Mỹ mong muốn Việt Nam giảm thuế nhập một loạt nông sản
Theo vnexpress.net, Bộ Tài chính vừa xin ý kiến các bộ, ngành về sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017 biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, phía Mỹ đề nghị, thuế nhập khẩu một số mặt hàng nông sản như thịt gà, sản phẩm chế biến từ thịt gà; hạnh nhân, táo, nho tươi, lúa mỳ, thịt lợn, khoai tây... được đề nghị giảm.
Bộ Tài chính nêu, những mặt hàng trên được xem xét giảm thuế trong năm 2020 và có lộ trình giảm về 0% ở những năm tiếp theo, theo đề nghị từ phía Mỹ. Việc giảm thuế lần này cũng nằm trong tính toán cân bằng thương mại với Mỹ. Ví dụ, thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà được đề nghị giảm thuế về 14,5% vào năm 2020, so với 20% hiện tại và còn 0% vào năm 2028.
Ngoài thịt gà, Mỹ cũng đề nghị Việt Nam giảm thuế với táo tươi, nho tươi nhập từ nước này về 0% ngay trong năm 2020; lúa mỳ, khoai tây chế biến... được đề nghị giảm thuế xuống 6% vào năm 2020 và 0% năm 2021. Tương tự, thuế nhập khẩu thịt lợn được Mỹ đề nghị giảm từ 25% xuống 18,9% vào 2020 và 0% vào 2027.
Trước đề nghị từ phía Mỹ, Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế suất các mặt hàng trên song mức giảm thấp hơn con số Mỹ đưa ra. Cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế thịt gà và chế phẩm xuống 18%, cao hơn mức gợi ý 14,5% của Mỹ vì mức thuế 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ nhất trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thuế với táo, nho tươi từ Mỹ dự kiến giảm về 8%; thuế nhập khẩu lúa mỳ giảm về 3%; khoai tây là 12%; thịt lợn giảm về 22% - mức thuế tiệm cận theo cam kết trong CPTPP...
Bộ Tài chính cho biết, sau khi lấy ý kiến sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định 125 sửa đổi.
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ
Theo bnews.vn, tại Hà Nội vừa diễn ra Tọa đàm trực tuyến “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Thúc đẩy liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ”.
Nhờ sức sản xuất lớn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh trong những năm qua. Năm 2019, ước kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41 – 42 tỷ USD.
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, lâm nghiệp, thủy sản, rau quả… là những ngành đã triển khai tái cơ cấu mạnh mẽ và đạt thành tựu lớn.
Ngoài ra, còn yếu tố “kéo” thị trường là Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do đã giúp chúng ta phát triển sản xuất mà còn có sự điều chỉnh trong sản xuất để phù hợp với thị trường. Điển hình việc đẩy mạnh phát triển thủy sản đã và đang khẳng định một lợi thế của Việt Nam. Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã khẳng định thủy sản là lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, ngành nông nghiệp cũng nhanh chóng chuyển trục sản xuất từ lúa sang thủy sản, trái cây…
Bên cạnh đó, thị trường lúa gạo của chúng ta đang dần hẹp lại và chắc chắn thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, bản thân các nước đối thủ của chúng ta chưa giảm sản xuất lúa, trong khi các nước nhập khẩu thì lại thắt chặt các quy định, kiểm soát chặt chẽ… Do đó, việc chuyển đổi trục sản xuất ở Đông bằng sông Cửu Long càng cho thấy hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp. Thậm chí, nhiều tỉnh muốn có sự chính thức hóa trong chuyển đổi trục sản xuất để nông dân yên tâm sản xuất.
Nguồn: VITIC