Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm giá hiện khoảng 364 - 368 USD/tấn, giảm so với 366 - 370 USD cách đây một tuần.
“Giá gạo giảm vì các thương gia hạ giá bán khi rupee yếu đi, trong bối cảnh nhu càu cũng thấp”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (miền nam Ấn Độ) cho biết.
Đồng rupee giảm gần 1% vào ngày 6/12/2018 xuống mức thấp nhất trong vòng 2i tuần, làm tăng lợi nhuận biên của các nhà xuất khẩu từ doanh số bán gạo ở nước ngoài.
Tại Bangladesh, nhập khẩu gạo trong giai đoạn tháng 7 – 11/2018 chỉ đạt 106.640 tấn, sau khi chính phủ áp dụng mức thuế 28% đối với nhập khẩu để hỗ trợ người nông dân sau khi sản xuất trong nước phục hồi, theo số liệu của Bộ Lương thực Bangladesh.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm còn 400 USD/tấn từ mức 408 USD cách đây một tuần do xuất khẩu sang Trung Quốc phải trải qua các cuộc kiểm tra và điều kiện chặt chẽ hơn.
“Xuất khẩu sang Trung Quốc hầu như bị đóng băng, không ai mua hoặc bán lúc này. Một số người còn gạo lưu kho ở cảng đang phải mang về kho chứa của mình bởi lo ngại khách hàng Trung Quốc sẽ không chuyển hàng đi”, Reuters dẫn lời một thương nhân ở TP HCM cho biết.
Tuy nhiên, đà giảm của giá gạo tại Việt Nam bị hạn chế vì nguồn cung thắt chặt vào cuối vụ mùa và các đơn đặt hàng từ Philippines. Vụ thu hoạch chính tiếp theo tại Việt Nam, vụ đông xuân, sẽ diễn ra vào tháng 3/2019.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% hiện khoảng 390 - 393 USD (FOB), so với 380 - 397 USD vào tuần trước.
"Ngoài các đơn đặt hàng mới từ Philippines, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến không có bất kì đơn đặt hàng lớn nào cho đến đầu năm 2019", Reuters dẫn lời một thương nhân ở Bangkok cho biết.
 Giới thương nhân nhận định sự biến động của giá gạo trong tuần này là do tỉ giá hối đoái. Đồng baht đã giảm hơn 0,25% trong ngày 6/12/2018, sau khi tăng trong 4 phiên trước đó.
"Một số nhà xuất khẩu vẫn đang thông tin về một thỏa thuận có thể đạt được với các thị trường như Nhật Bản và Indonesia, nhưng cho đến nay mọi thứ chỉ là đồn đoán, và có thể sẽ vẫn như vậy cho đến tháng 1", một thương nhân khác ở Bangkok cho biết.
Một số thông tin liên quan
Ấn Độ sẽ trợ cấp cho xuất khẩu gạo non-basmati
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, sẽ hỗ trợ xuất khẩu gạo non – basmati trong bối cảnh xuất khẩu gạo của nước này đang chậm lại.
Ngày 22/11/2018, Bộ Thương mại nước này thông báo Chính phủ sẽ trợ cấp 5% cho xuất khẩu loại gạo này trong vòng 4 tháng, tới 25/3/2019.
Xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ năm nay giảm mạnh mặc dù rupee yếu đi giúp giá gạo xuất khẩu của nước này tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ đã giảm 9,6% xuống 5,8 triệu tấn trong 6 tháng đầu của tài khóa này, bắt đầu từ tháng 4/2018. Lý do chính bởi Bangladesh giảm mua sau khi trong nước được mùa.
Quyết định hỗ trợ tài chính cho hoạt động xuất khẩu gạo non- basmati cũng sẽ giúp bình ổn thị trường trong nước, nhất là khi nguồn cung từ vụ mới có xu hướng làm giảm giá gạo.
Hàn Quốc tổ chức phiên thầu quốc tế để nhập khẩu hơn 25.000 tấn gạo
Tập đoàn thương mại Agro-Fisheries & Food, thuộc sở hữu nhà nước Hàn Quốc, đã phát hành một phiên đấu thầu quốc tế để mua tổng cộng 25.222 tấn gạo thường, các thương nhân châu Âu cho biết.
Theo đó, 25.222 tấn gạo được chia thành ba lô hàng, với thời gian giao hàng là tháng 2/2019.
Thời hạn đăng kí nộp hồ sơ là ngày 11/12.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, sản lượng gạo tại Hàn Quốc trong năm 2018 - 2019 được dự giảm 2,6% so với vụ mùa năm ngoái.
USDA ước tính vụ mùa sắp tới ở quốc gia châu Á dạt 3,86 triệu tấn, thấp hơn mức 3,97 triệu tấn trong giai đoạn 2017 - 2018 và là sản lượng thấp nhất trong hơn một thập kỉ qua.
Nhật Bản thúc đẩy xuất khẩu gạo vì nhu cầu nội địa suy yếu
Người trồng lúa Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy doanh số bán gạo chất lượng cao của mình trong bối cảnh nhu cầu nội địa giảm và khả năng về sự tự do hóa của những qui định thương mại.
Nhu cầu nội địa đối với gạo truyền thống đã giảm qua các năm, từ mức 9,1 triệu tấn 20 năm trước xuống còn 7,4 triệu tấn trong giai đoạn tháng 7/2017 - tháng 6/2018, theo dữ liệu từ chính phủ.
Tuy nhiên, lợi nhuận đối với gạo xuất khẩu có xu hướng thấp hơn so với khi được bán trong nước, vì vậy nông dân Nhật Bản thường không muốn bán gạo trên thị trường quốc tế.
Dữ liệu từ chính phủ cho thấy, giá gạo Nhật Bản cao hơn 2 - 3 lần so với loại được trồng tại Trung Quốc và Mỹ. Tính cả chi phí, giá gạo Nhật Bản tăng cao tại thị trường quốc tế, trở thành một món hàng cao cấp đối với người giàu.
Do đó, để thúc đẩy tiêu thụ toàn cầu, giá gạo Nhật Bản ở thị trường quốc tế càn phải giữ ở mức tiếp cận được đối với tầng lớp trung lưu.
Giá gạo Thái Lan dự báo tiếp tục tăng
Nhu cầu tăng trong khi dự trữ không còn nhiều được coi là những yếu tố giúp giá gạo Thái Lan tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, nhu cầu nhập khẩu ở mức cao trong khi lượng gạo dự trữ gần như được giải phóng hoàn toàn, giá gạo Thái trong mùa vụ 2018 - 2019 được dự báo sẽ tăng.
Thêm vào đó, triển vọng xuất khẩu gạo Thái Lan trong quí IV được nhận định tích cực, góp phần giúp nước này đạt được mục tiêu xuất khẩu 11 triệu tấn trong năm 2018 như kế hoạch.
Cụ thể, sản lượng gạo chưa xay xát của Thái Lan trong vụ mùa 2018 - 2019 bắt đầu vào cuối thời điểm tháng 10 được dự báo đạt 33,42 triệu tấn.
Thương vụ cho hay nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nhiều khả năng đạt 34,03 triệu tấn. Những yếu tố thuận lợi về sản lượng tăng và lượng gạo dự trữ gần như được giải phóng hoàn toàn sẽ giúp nông dân Thái Lan cải thiện thu nhập.
Tuy nhiên, sản lượng một số loại gạo sẽ giảm do tình hình hạn hán ở khu vực Bắc và Đông Bắc. Roi Et, Nakhon Ratchasima, Sri Sa Ket, Surin, Buri Ram, Khon Kaen và Chaiyaphum là những địa bàn chịu ảnh hưởng nhiều nhất của hạn hán. Gạo hom mali nhiều khả năng giảm 20% sản lượng.
Về xuất khẩu, trong quí IV, dự kiến khoảng 900.000 tấn gạo đã xay xát sẽ được chuyển giao cho đối tác. Với nhu cầu các đơn hàng quốc tế ở mức cao, Thương vụ dự báo giá gạo có thể tăng, đặc biệt là gạo hom mali và gạo hương. Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Nhật Bản và các quốc gia Châu Phi là những nhóm thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Thời điểm tháng 11 và 12, lượng gạo cung ứng ra thị trường sẽ tăng đột biến. Nhằm giúp ổn định giá, Chính phủ Thái Lan đã ban hành các gói vay ưu đãi nếu nông dân lùi thời điểm bán gạo chưa xay xát; chương trình hỗ trợ với lãi suất 3% nếu nông dân đồng ý giữ gạo từ 60 - 180 ngày; chương trình cho vay đối với các tổ chức hợp tác xã để thu mua và tạo giá trị gia tăng.
Campuchia gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu 300.000 tấn gạo sang Trung Quốc
Các nhà xuất khẩu gạo Campuchia hôm 4/12 kêu gọi lập kế hoạch và đối thoại giữa tất cả các bên tham gia trong ngành để đáp ứng hạn ngạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo của Trung Quốc.
Song Saran, Giám đốc điều hành của nhà xuất khẩu gạo Amru Rice, cho biết Campuchia sẽ không xuất khẩu được 300.000 tấn gạo qua Trung Quốc nếu thiếu sự phối hợp giữa các đối tác địa phương liên quan.
Ông cho biết, các cuộc họp hàng tháng phải triệu tập các cơ quan chính phủ, thành viên và đại diện của Liên đoàn gạo Campuchia (CRF) và các công ty địa phương để đảm bảo Campuchia có thể đáp ứng hạn ngạch 300.000 tấn mà Trung Quốc đưa ra cho gạo Campuchia.
Năm ngoái, Trung Quốc đã tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo Campuchia lên 300.000 tấn, từ 200.000 tấn vào năm 2017 và 100.000 tấn trong năm 2016.
Trong 9 tháng đầu năm, Campuchia đã xuất khẩu 96.714 tấn gạo sang quốc gia này, theo Ban Thư ký Dịch vụ xuất khẩu gạo một cửa Campuchia.