Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá tăng 4 USD/tấn lên 417-420 USD/tấn, mặc dù nhu cầu từ nước ngoài nhìn chung thấp.
“Nguồn cung từ vụ mới sẽ có trên thị trường từ tháng tới. Đến tháng 11, nguồn cung sẽ tăng mạnh, nhưng từ nay tới đó thì vẫn khan hiếm”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Kakinada thuộc bang miền Bắc Andhra Pradesh cho biết.
“Ở mức giá hiện tại, chúng tôi không thể cạnh tranh”.
Nông dân Ấn Độ đã trồng 37,15 triệu ha lúa tính tới 8/9, giảm nhẹ so với mức 37,69 triệu ha cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu gạo phi-basmati của Ấn Độ chắc chắn sẽ giảm trong tháng tới bởi giá đắt hơn so với những xuất xứ khác.
Gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này giá cũng tăng len 390-396 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 380 – 390 USD/tấn tuần trước, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu mới từ Bangladesh và lo ngại về nguồn cung liên quan đến thời tiết.
Ngoài ra, nội các Thái Lan ngày 19/9 đã thông qua 3 khoản cho vay và trợ cấp trị giá 2,63 tỷ USD cho người trồng lúa, động thái chắc chắn sẽ tạo ra nhu cầu giả tạo, theo nhận định của một thương nhân ở Bangkok, và thêm rằng “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chờ xem động thái trên sẽ có những tác động nào khác nữa”.
Giá gạo Thái Lan chắc chắn sẽ vẫn ổn định và có thể tăng nhẹ trong tuần tới, sau khi lũ lụt và mưa lớn gần đây ảnh hưởng tới một số diện tích lúa.
Hồi đầu tuần, Bangladesh đã chốt hợp đồng mua 50.000 tấn gạo của công ty Thái Lan có tên Siam Rice Trading với giá 438 USD/tấn, CIF – kết quả của cuộc đấu giá hôm 12/9.
Do ảnh hưởng từ lũ lụt, Bangladesh cho biết sẽ mua gạo từ Myanmar để dự trữ, mặc dù cuộc khủng hoảng giữa 2 nước về người Rohingya đang trở nên phức tạp hơn.
Cuộc đấu thầu của Bangladesh cũng thu hút sự quan tâm từ các nhà xuất khẩu Việt Nam, do đó giá gạo 5% tấm XK cũng tăng lên 390 – 395 USD/tấn, FOB Sài Gòn, từ mức 378 – 385 USD/tấn tuần trước.
“Giao dịch thưa thớt và có rất ít đơn chào mới, vì các công ty đang chờ đợi kết quả bỏ thầu ở Bangladesh”, một thương nhân ở TP HCM cho biết.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 629.000 tấn trong tháng qua, theo Hiệp hội Lương thực (VFA), chủ yếu do các thương nhân đang tập trung thực hiện những đơn hàng ký từ trước, trong bối cảnh nhu cầu mới trong mấy tuần qua rất thấp.
VFA đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2017 lên 5,6 triệu tấn. Tính từ đầu năm tới nay lượng xuất khẩu đã đạt 3,8 triệu tấn.
 Một số thông tin liên quan
Bangladesh sẽ nhập khẩu 100,000 tấn gạo trắng Myanmar với giá 442 USD/tấn
Thông tin từ Bộ Lương thực Bangladesh cho biết nước này sẽ nhập khẩu 100.000 tấn gạo trắng Myanmar với giá 442 USD/tấn theo hợp đồng liên chính phủ, để lấp đầy kho dự trữ đang rất thấp và hạ nhiệt giá trong nước.
Quyết định này được đưa ra sau khi Bangladesh hoàn tất việc ký kết hợp đồng nhập khẩu 250.000 tấn gạo trắng Campuchia với giá 453 USD/tấn. Trước đó Bangladesh đã mua gạo của Việt Nam.
“Sẽ phải mất một thời gian để hoàn thành thủ tục hợp đồng, sau đó việc vận chuyển sẽ được tiến hành”, bộ trưởng Qamrul Islam cho biết.
Tuy nhiên, hợp đồng mới này đạt được trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng hơn do cuộc khủng hoảng liên quan tới cuộc khủng hoảng người Hồi giáo tị nạn Rohingya.
Bangladesh mua 50.000 tấn gạo Thái Lan
Trong phiên họp nội các ngày 20/9, chính phủ Bangladesh đã thông qua kế hoạch nhập khẩu 50.000 tấn gạo non-basmati và gạo đồ từ Thái Lan của Bộ Lương thực, trang Dhaka Tribune trích lời của một số quan chức chính phủ cho biết.
Theo đó, số gạo trên sẽ được mua từ Công ty Thương mại M/S Sima của Thái Lan với mức giá là 438 USD/tấn. Tổng chi phí cho hợp đồng nhập khẩu này là 21,9 triệu USD.
Trước đó, Bangladesh đã không thể đạt thỏa thuận mua 300.000 tấn gạo từ Thái Lan và Ấn Độ do giá chào bán của hai nước này cao hơn nhiều so với giá quốc tế.
Chính phủ Bangladesh dự kiến sẽ dự trữ được 900.000 tấn gạo đến ngày 12/11 để hạn chế đà tăng giá chóng mặt của gạo trong thị trường nội địa. “Hiện tại, kho dự trữ gạo quốc gia đã có 200.000 tấn gạo, 150.000 tấn đang được lưu giữ tại cảng Chittagong và số còn lại sẽ cập cảng này trước ngày 12/11,” Bộ trưởng An ninh Lương thực Bangladesh Md Kaikobad Hossain cho biết.
Philippines có thể nâng mức thuế suất trần với nhập khẩu gạo lên 400%
Chính phủ Philippines có thể áp thuế nhập khẩu gạo tối đa là 400% nhằm cân bằng lợi ích giữa người nông dân và người tiêu dùng.
Mức thuế nhập khẩu gạo tối đa 400% này đã được nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng Lương thực và Nông nghiệp Philippines thông qua và được đề cập trong dự thảo luật thay thế, sửa đổi cho Đạo luật Cộng hòa 8178 (RA 8178). RA 8178 hiện hành cho phép chính phủ điều chỉnh hoạt động nhập khẩu gạo thông qua chương trình hạn chế số lượng (quantitative-restriction - QR).
Trong phiên thảo luận ngày 19/9 tại Hạ viện, đại diện từ tỉnh Pampanga, luật sư Gloria Macapagal-Arroyo cho rằng việc nâng trần thuế sẽ giúp chính phủ Philippines linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh thuế nhập khẩu với gạo. Ông nhấn mạnh rằng đây chỉ là mức thuế suất trần, còn Tổng thống sẽ là người quyết định mức thuế nhập khẩu gạo chính thức. Trước đó, ông Arroyo từng đề nghị nâng mức thuế suất trần lên 700%.
Tuy nhiên, một số thành viên trong hội đồng lại bày tỏ lo ngại, áp thuế nhập khẩu cao sẽ kích thích hành vi buôn lậu gạo phát triển, gây thiệt hại cho người nông dân. Theo đó, mức thuế suất trần 400% này chỉ nên áp dụng đối với số gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch tối thiểu mà chính phủ đặt ra là 350.000 tấn.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và chính sách nông nghiệp Philippines, ông Segfredo R. Serrano lại cho rằng chính phủ chỉ nên áp dụng mức thuế 35% đối với gạo nhập khẩu từ khối ASEAN, không xét đến số lượng nhập khẩu, theo thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN. Đối với gạo nhập khẩu trong hạn ngạch tối thiểu của chính phủ, mức thuế suất nên là 40% áp dụng cho các nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bộ Nông nghiệp Philippines, sau khi tính toán dựa trên công thức được quy định trong điều khoản đặc biệt của Hiệp định về Nông nghiệp của WTO, đã đề xuất thuế suất trần với nhập khẩu gạo là 150%. Mức thuế này chỉ nên áp dụng với gạo nhập khẩu từ những nước nằm ngoài ASEAN, ông Serrano tiết lộ.
Chính phủ Philippines hiện đang rất áp lực trong việc tính toán ra một mức thuế quan phù hợp, sau khi chương trình QR đối với nhập khẩu gạo hết hiệu lực vào ngày 30/6.
Thái Lan thông qua 2,63 tỷ USD trợ cấp và cho người trồng lúa vay
Chính phủ Thái Lan vừa thông qua 3 gói hỗ trợ trị giá 87 tỷ baht đối với ngành lúa gạo, qua đó ước tính dự trữ được 12,5 triệu tấn gạo.
Ngày 19/9, Chính phủ Thái Lan thông qua 3 gói hỗ trợ đối với ngành lúa gạo trong nước, gồm các khoản vay ưu đãi và khoản trợ cấp, để bình ổn giá gạo và giảm bớt lượng gạo dư thừa.
Tờ Bangkok Post cho biết, tổng giá trị của 3 gói hỗ trợ này là 87 tỷ baht (hơn 2,63 tỷ USD); trong đó đã bao gồm gói cho vay và trợ cấp trị giá 73 tỷ baht mà Ủy ban Quản lý Ngành lúa gạo Thái Lan đã thông qua hồi đầu tháng 9.
Gói 73 tỷ baht này dự kiến đủ để hỗ trợ cho 3,7 triệu hộ gia đình và sẽ kéo dài trong suốt vụ lúa bắt đầu từ tháng 11 tới cuối tháng 2/2018.
Số tiền còn lại sẽ được dùng để hỗ trợ cho vay và trợ cấp đối với các tổ chức và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm thúc đẩy việc dự trữ gạo.
Dự kiến, với gói hỗ trợ 87 tỷ baht này, Thái Lan sẽ dự trữ được 12,5 triệu tấn gạo.
Chính phủ Thái Lan thông qua các gói hỗ trợ này trong phiên họp trực tuyến tại Ayutthaya diễn ra vào ngày 19/9.
Nhật Bản sẽ tăng xuất khẩu gạo gấp 4 lần vào năm 2019
Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần xuất khẩu gạo và các sản phẩm gạo lên 100.000 tấn vào năm 2019, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật cho biết ngày 9/9 cho biết, nhưng giá cả vẫn là một trở ngại lớn đối với nước này.
Xuất khẩu gạo Nhật Bản năm vừa qua đạt 24.000 tấn, trong đó khoảng 10.000 tấn được dùng làm lương thực, còn khoảng 11.000 tấn được xuất khẩu dưới hình thức rượu sake, 3.000 tấn là các sản phẩm gạo.
Xuất khẩu rượu sake đã tăng mạnh trong những năm gần đây, đạt kỷ lục 15,5 yen (143 triệu USD) trong năm 2016, là năm thứ 7 liên tiếp tăng. Xuất khẩu tới khắp các nơi trên thế giới đều tăng, đặc biệt khi rượu sake rất phù hợp khi kết hợp với các món ăn kiểu Pháp ngay cả tại Paris.
Nhưng xuất khẩu gạo làm lương thực năm vừa qua chỉ đạt 2,7 tỷ yen, và các chiến lược xây dựng thương hiệu đã sử dụng đối với rượu sake và bò wagyu dường như không hiệu quả trong trường hợp gạo lương thực. Tại các thị trường như Hongkong hay Singapore, gạo của Nhật Bản đắt hơn nhiều so với các mặt hàng xuất khẩu khác. Các sản phẩm dường như quá đắt đối với những người tiêu dùng thường xuyên, lãnh đạo Liên đoàn Hiệp hội các HTX nông nghiệp quốc gia nhận định.
Để làm cho gạo Nhật Bản có giá cả phù hợp hơn với người tiêu dùng trung lưu ở nước ngoài, nông dân cầ phát triển các giống lúa có năng suất cao hơn. Nhưng trợ cấp của Chính phủ dành cho trồng lúa dùng làm thức ăn chăn nuôi chính là yếu tố không khuyến khích được nong dân chuyển sang những giống cho năng suất cao.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet