Thương mại điện tử xuyên biên giới đang thay đổi giá trị hàng hoá, đặc biệt là sản phẩm tài nguyên bản địa.

Chổi đót được bán với giá 12 USD/cái, nón lá hơn 17 USD/ cái và thậm chí còn sắp hết hàng, một gói cà phê G7 có giá 21 USD, hay một cái phin cà phê giá hơn 9 USD, chảo chiên bánh xèo thì lên đến 25 USD/cái... Đó là những mặt hàng "Made in Vietnam" đang được bán chạy trên Amazon hiện nay và có doanh thu cao.
Tại Ngày hội Toàn cảnh thương mại điện tử VN 2019 được tổ chức ở TP.HCM ngày 28-3, ông Trần Quý Hiến - đồng sáng lập Amazon FBA Freedom - cho biết, nhiều người Việt đã và đang kinh doanh rất tốt trên Amazon từ sớm chứ không phải đợi đến bây giờ.
Điều thú vị là các sản phẩm Việt bán chạy trên Amazon không quá "cao siêu" mà rất gần gũi như chổi đót, nón lá, túi mây tre đan… với doanh thu cao.
Ông Hiến chia sẻ để các sản phẩm bản địa Việt lên Amazon, đến với khách hàng toàn cầu, người bán phải tối ưu hoá sản phẩm, cá biệt hoá sản phẩm, tăng thêm giá trị sản phẩm, đóng gói giống quà tặng và tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Và bước cuối cùng đóng gói càng đẹp thì bán sẽ càng tốt hơn vì trên đó khách mua hàng không chỉ để tiêu dùng mà còn dùng để tặng bạn bè, người thân.
"Đừng cạnh tranh bằng giá rẻ mà hãy tăng giá trị sản phẩm, tăng trải nghiệm khách hàng lên để bán giá cao hơn", ông Hiến nói.
Rất nhiều cá nhân cho rằng đưa hàng lên Amazon bán đòi hỏi sản phẩm phải cao cấp hay đặc biệt. Tuy nhiên, theo nhiều người, chỉ cần có ý tưởng kinh doanh đột phá, một sản phẩm thông dụng vẫn hoàn toàn có thể được bán tốt. Quan trọng là chọn đúng sản phẩm ngay từ đầu.
Chẳng hạn một chiếc giỏ mây "made in VN" đã lọt vào tốp 10 sản phẩm bán chạy nhất trên sàn Amazon sau 7 ngày đưa lên và tên của giỏ này trở thành tốp 3 từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất nhờ biết tối ưu hoá đúng cách.
"Rất nhiều chiếc giỏ mây tương tự như thế được bán trên sàn này. Ở VN, giá của nó khoảng 200 ngàn đồng nhưng trên Amazon giá cao nhất của nó có lúc lên 60 USD. Người bán đã trang trí thêm, thay chiếc lớp lót bên trong túi xách, tăng thêm ngăn nhỏ và thay bằng chiếc dây da xịn. Đó là những chi tiết rất nhỏ nhưng đã tối ưu hoá chiếc túi", ông Hiến ví dụ.
Đáng chú ý các sản phẩm VN được người mua quốc tế đánh giá cao. Thống kê của Amazon cho thấy phin pha cà phê, hay chổi đót... đều được người mua chấm 4,5 đến 5 sao.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết đứng trước thực tế này, VECOM đang có kế hoạch tìm kiếm các đặc sản địa phương, tài nguyên bản địa để phát triển lên sàn thương mại điện tử, tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề.
Hiện VECOM đang thử nghiệm kết hợp với tỉnh Bến Tre đưa sản phẩm chế biến từ dừa lên sàn thương mại điện tử. Mục tiêu đến cuối năm 2019, 90% các đơn vị kinh doanh dừa của tỉnh này khai thác hiệu quả kênh bán hàng online.
"Đây không chỉ là bước đi đầu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, hộ kinh doanh các sản phẩm liên quan tới sản phẩm dừa ở Bến Tre tiếp cận và mở rộng hoạt động kinh doanh trên môi trường trực tuyến, nhờ đó nhân rộng mô hình ra các địa phương khác với các loại nông sản khác, mà còn giúp thương mại điện tử lan toả thị trường nông thôn", ông Dũng nói.
Sau dự kiện "Ngày của Làng dừa Bến Tre" ra mắt ngày 28-3, các doanh nghiệp đang hướng tới chương trình dự kiến như Ngày của thổ cẩm – Hà Giang; Ngày của tre luồng – Thanh Hóa; Ngày của sen hồng – Đồng Tháp...
Trong khi đó, đại diện Amazon cho biết đang sẵn sàng mở rộng cửa đón người Việt kinh doanh trên nền tảng này. Với gần 200.000 người bán vượt doanh thu 1 triệu USD trên Amazon trong năm 2018, rõ ràng đây là sân chơi lớn cho các các nhân, doanh nghiệp nhỏ VN.

Nguồn: Tuổi trẻ