Cứ nghĩ chỉ có chị mới vậy, ra biển lớn nhưng vẫn chưa hết “phèn” nên mới thèm cái món “nhà quê” ấy. Mà hóa ra chẳng phải thế, chúng tôi mấy năm ở Sài Gòn, đến khi ra trường, mỗi đứa một nơi, có dịp gặp nhau, lại rủ đi ăn cơm tấm Sài Gòn. Ra là vậy, cái món “nhà quê” ấy coi vậy mà dễ thường làm người ta nhớ thương quá đỗi.
Người Sài Gòn ăn cơm tấm cũng như người Hà Nội ăn phở vậy, quán cơm tấm ở Sài Gòn nhiều vô số kể cũng như số lượng quán phở ở khắp Hà Nội, và dù là 3 giờ sáng hay 12 giờ đêm, chẳng khó để kiếm cho mình một nơi chốn ghé vào.
Không biết vì cơm tấm dễ ăn hay người Sài Gòn dễ tính mà tự bao giờ mà người ta ăn cơm tấm giờ nào cũng được, chọn nó làm bữa sáng, bữa trưa hay bữa tối, rồi ăn lót dạ, ăn khuya. Cơm tấm có thể là món ăn vội cho kịp cái sự ồn ào, hối hả của Sài Gòn, mới ngồi đó mà quay qua quay lại đã thấy đĩa cơm tấm hết sạch rồi. Cơm tấm có thể là món ăn chậm, ngồi lai rai từng cọng sườn, miếng chả trong chiều mưa, tưởng như cuộc đời có gì đâu mà phải lo lắng. Cơm tấm có người ăn để no, ở nhà chưa kịp cơm nước nên ra gọi đĩa cơm; cũng có người ăn để chơi, ăn để nhớ, ăn để có cớ ra ngắm phố phường, ngắm từng khuôn mặt người vừa lạ vừa thương.
Cơm tấm Sài Gòn là cơm được nấu ra từ những hạt gạo be bé, bị bể. Gạo này từ xưa xếp vào loại hai, rớt vãi sau khi sàng, không sử dụng mà đem cho gà, vịt ăn. Vậy mà đến bây giờ, hạt gạo ấy trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực. Cơm tấm đến khi chín, nở bung, tơi và xốp. Cơm tấm thường ăn kèm với sườn nướng hoặc gà chiên, thêm trứng ốp la hoặc chả trứng hấp, ăn kèm mấy lát dưa leo, cà chua, kim chi hoặc cà rốt, củ cải muối, chan một ít mỡ hành và thêm chén nước mắm cạnh bên. Người Sài Gòn thích ngọt, nên sườn, gà hay chả trứng khi ăn, ngoài vị thơm đặc trưng và vị dai của thịt còn phải có vị ngọt. Nước mắm không quá cay, được pha loãng và cũng là nước mắm ngọt. Mỡ hành là từ tóp mỡ phi ra dầu, sau đó cho hành tơi đã cắt nhỏ vào, đảo nhanh. Ăn cơm tấm, ít khi có canh ăn kèm nếu không có yêu cầu thêm.
Có nhiều loại cơm tấm nhưng phổ biến nhất vẫn là cơm tấm sườn bì chả. Hạt gạo tấm thì giống nhau, còn sườn là sườn nướng, nhưng mùi vị thì khác, tùy theo công thức của mỗi người. Có người khi ướp cho nhiều sả, có người lại thích cho nhiều sa tế, có người lại ướp bằng mật ong; khi nướng lên, thơm vô cùng, có người thích nướng vàng, có người lại thích nướng cạnh cháy sém; chỉ nhìn thôi là bụng đã đói cồn cào.
Tồn tại mấy mươi năm giữa Sài Gòn nhiều thay đổi, cơm tấm có nhiều thương hiệu nổi tiếng như cơm tấm Thuận Kiều ra đời từ trước năm 1975; cơm tấm Cali với phong cách quán ăn sang trọng, thiết kế quán màu tím đặc trưng; hay mang phong cách bụi bặm và bình dân như cơm tấm Ngô Quyền,;cho đến những quán vỉa hè, xe đẩy… Cơm tấm cứ vậy mà thành một nét văn hóa ẩm thực rất riêng Sài Gòn. Và chắc cũng vì vậy mà ít nhiều, người ta xa Sài Gòn, lại thèm biết bao một dĩa cơm tấm.
Nguồn: wanderlusttips.com
 

Nguồn: Vinanet