Thông tin cơ bản về Hiệp Định về Hợp tác Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Israel
Thời gian kí kết: ngày 25/8/2004.
Nơi kí kết: Hà Nội, Việt Nam.
Hiệp định về Hợp tác Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Israel thiết lập các nguyên tắc, qui chế và kỉ luật nhằm điều chỉnh quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa Việt Nam và Israel.
Hai nước cam kết thúc đẩy và phát triển hài hòa hoạt động thương mại song phương cũng như các hình thức hợp tác kinh tế thương mại đa dạng trong khuôn khổ pháp luật và các nghĩa vụ quốc tế của mỗi nước trong đó có việc dỡ bỏ các rào cản thương mại.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Israel
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel trong năm 2019 đạt trên 800 triệu USD, tăng nhẹ so với năm 2018, và nhập khẩu từ Israel đạt khoảng 200 triệu USD.
Trong 8 tháng đầu năm, tình hình chính trị, an ninh tại Israel có nhiều diễn biến căng thẳng phức tạp gây tâm lí e ngại cho các doanh nghiệp và ít nhiều ảnh hưởng tới các giao dịch thương mại của doanh nghiệp cũng như xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, dẫn tới tốc độ xuất khẩu suy giảm nhẹ trong 7 tháng đầu tiên.
Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh, chủ yếu do giảm nhập khẩu nhóm hàng máy tính và linh kiện điện tử. Những mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh. Trong trao đổi thương mại, Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang Israel với trị giá lớn.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Israel bày tỏ quan tâm, đặt vấn đề muốn nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng lương thực, thực phẩm (hạt điều, thủy hải sản các loại gồm cá ngừ, tôm đông lạnh, mực, nước giải khát các loại...), hàng dệt may, giày dép, hàng tiêu dùng và gia dụng, đồ dùng và vật dụng thể thao, trái cây chế biến và sấy khô từ Việt Nam.
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu giày dép tăng mạnh ở mức 31,8% so với cùng kì năm ngoái; trong khi đó, mặt hàng thủy sản giảm 32,0%.
Từ cuối năm 2018, Israel tăng cường các biện pháp kiểm soát và siết chặt các qui định về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm lương thực, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường trong nước.
Hợp tác kinh tế theo Hiệp Định về Hợp tác Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Israel
1. Các Bên sẽ thúc đẩy việc trao đổi thông tin vì mục đích phát triển hợp tác kinh tế và thương mại song phương, đặc biệt về luật pháp và thủ tục thương mại và thông tin thống kê.
2. Các Bên đồng ý thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại bằng việc đưa ra các biện pháp tăng cường thương mại song phương, bao gồm:
- Tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội nghị, quảng cáo, tư vấn và các dịch vụ mua bán khác;
- Phát triển các mối liên hệ giữa các doanh nghiệp, các hiệp hội các nhà sản xuất Phòng Thương mại và các hiệp hội kinh doanh khác của hai Bên;
- Phát triển hợp tác kinh tế và công nghiệp hỗn hợp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn;
- Công nghiệp cũng như trong các lĩnh vực cơ khí và xây dựng, đào tạo, viễn thông, y tế, thiết bị y tế giáo dục, hệ thống thiết bị an ninh và các lĩnh vực công nghệ cao khác.
Đãi ngộ Tối huệ quốc theo Hiệp định
Các Bên dành cho nhau chế độ đãi ngộ Tối huệ quốc trong tất cả các vấn đề liên quan tới:
- Thuế hải quan và các loại phí khác áp dụng với hàng hóa nhập khẩu hoặc xuất khẩu cũng như phương thức thu các loại thuế hải quan và phí này;
- Các qui định pháp luật, thủ tục và tập quán liên quan đến thủ tục hải quan, quá cảnh, lưu kho và chuyển tải;
- Các loại thuế trong nước và tất cả loại phí khác áp dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hàng nhập khẩu;
- Các phương thức thanh toán áp dụng trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định này và phương thức chuyển tiền;
- Các qui định pháp luật, thủ tục vâ tập quán liên quan tới việc bán, mua, vận tải phân phối, lưu kho và sử dụng hàng nhập khẩu tại thị trường trong nước.
Tham vấn theo cam kết của Hiệp định
1. Các Bên sẽ cố gắng giải quyết mọi tranh chấp phát sinh trong quá trình giải thích và thực hiện Hiệp định này thông qua tham vấn tại Ủy ban hỗn hợp.
2. Mỗi Bên có thể đưa ra Ủy ban hỗn hợp bất kì vấn đề nào mà bên đó thấy không phù hợp với việc thực hiện Hiệp định này.
3. Các Bên phải cung cấp cho Ủy ban hỗn hợp mọi thông tin có liên quan cần thiết cho việc xem xét một cách kĩ lưỡng các tranh chấp nhằm tìm ra giải pháp chấp nhận được cho cả hai Bên.
Chi tiết về Hiệp Định về Hợp tác Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Israel

Nguồn: vietnambiz/Kinh tế & Tiêu dùn