Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), số vụ buôn lậu thuốc lá mà các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế. Đặc biệt vào dịp cuối năm, buôn lậu thuốc lá lại gia tăng và có những diễn biến phức tạp, nhất là tại địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam. Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, xung quanh những khó khăn, bất cập cũng như giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn lậu thuốc lá.
Phóng viên: Thưa ông, số vụ buôn lậu thuốc lá bị phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn so với thực trạng hiện nay, dù đã có sự vào cuộc rất mạnh mẽ của các lực lượng chức năng. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn nạn này?
Ông Trần Hữu Linh: Có thể nói tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây. Trước hết phải có thị trường mới có buôn lậu thuốc lá vào nội địa. Bên cạnh đó, thuốc lá nhập lậu có giá rẻ nên việc buôn lậu thuốc lá đang diễn ra hoành hành ở 3 khu vực là các tỉnh biên giới Tây Nam, Quảng Trị và Quảng Ninh.
Không những vậy, buôn lậu thuốc lá đem lại lợi nhuận rất cao cho các đối tượng buôn lậu, đặc biệt mức sống dân cư ở các địa bàn điểm nóng thấp nên đây cũng là lực lượng chuyên chở vận chuyển thuốc lá lậu.
Cùng với đó, địa hình kênh rạch chằng chịt, đường mòn lối tắt nhiều là điều kiện cho các đối tượng buôn lậu thẩm lậu thuốc lá vào Việt Nam.
Các cơ sở tập kết hàng lậu thường nằm ngay sát biên giới, khi không có lực lượng chức năng thì tuồn về Việt Nam gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Mặt hàng thuốc lá thường nhỏ, gọn rất dễ vận chuyển nên hiện nay buôn lậu thuốc lá diễn ra qua đường sông, đường biển, đường bộ và cả đường hàng không.
Mặt khác, công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhập lậu của Việt Nam hiện chưa đủ mạnh. Thuốc lá nhập lậu thường không dán nhãn cảnh báo theo quy định của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam cũng chưa có đơn vị nào thẩm định về chất lượng, hàm lượng của thuốc lá nhập lậu khiến cộng đồng người dân chưa hiểu và nhận thức đúng đắn về những nguy hại của thuốc lá lậu.
Phóng viên: Việc chưa có lực lượng chuyên trách về chống buôn lậu thuốc lá liệu có gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu mặt hàng này không, thưa ông?
Ông Trần Hữu Linh: Các lực lượng hiện nay đều có chức năng chống buôn lậu và mặt hàng thuốc lá là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống buôn lậu.
Trong chống buôn lậu thuốc lá, việc phối hợp giữa các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Quản lý thị trường cần làm rõ hơn vai trò của từng lực lượng chứ không cần phải có lực lượng riêng cho công tác chống buôn lậu mặt hàng này.
Tôi cho rằng, việc phối hợp tốt giữa các lực lượng và từng lực lượng làm quyết liệt, làm đến cùng thì công tác chống buôn lậu thuốc lá sẽ hiệu quả hơn.
Phóng viên: Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, đã quy định rất cụ thể hành vi buôn lậu từ 1.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhiều đối tượng buôn lậu đã dùng thủ đoạn xé lẻ thuốc lá khi vận chuyển. Điều này gây khó khăn gì cho việc xử lý vi phạm, thưa ông?
Ông Trần Hữu Linh: Quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ít nhiều cũng đã gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu thuốc lá. Bởi gian thương buôn lậu thuốc lá qua biên giới sẽ vận chuyển ít hơn, ví dụ như 1.400 bao, nhiều vụ khi bắt giữ kiểm tra thì chỉ có 1.499 bao.
Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã đưa ra quy định mới, đó là khi buôn lậu thuốc lá tái phạm nhiều lần, tổng số lượng giữa các lần mà vượt 1.500 bao thì cũng sẽ bị xử lý hình sự. Vì vậy, việc thay đổi này rất kịp thời để phục vụ cho công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Tổng cục Quản lý thị trường thời gian tới sẽ xây dựng công cụ để theo dõi các đối tượng buôn lậu thuốc lá và có hướng xử lý kịp thời.
Phóng viên: Từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tăng lên 75%. Một số ý kiến cho rằng việc tăng thuế theo lộ trình sẽ khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá lại “nóng” thêm. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Ông Trần Hữu Linh: Theo quy luật, tăng thuế sẽ kéo theo tăng giá, vậy việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lên 75% chắc chắn dẫn đến nguy cơ tình trạng buôn lậu thuốc lá sẽ tăng.
Do vậy, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường chống buôn lậu mặt hàng này. Và không chỉ quản lý thị trường mà các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ chống buôn lậu cũng phải làm quyết liệt hơn để hạn chế tình trạng chống buôn lậu thuốc lá.
Phóng viên: Việc các Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) từ địa phương chuyển về trực thuộc Tổng cục QLTT của Bộ Công Thương được kỳ vọng sẽ mang lại những thuận lợi trong công tác chỉ đạo chống buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá nói riêng. Ông có thể nói rõ về vấn đề này?
Ông Trần Hữu Linh: Việc các Chi cục Quản lý thị trường từ địa phương chuyển về trực thuộc Tổng cục QLTT của Bộ Công Thương sẽ đáp ứng được công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong bối cảnh mới.
Trước đây, từng đơn vị QLTT ở mỗi địa bàn, khu vực khác nhau nên tính địa lý ít nhiều gây khó khăn trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Với mặt hàng buôn lậu thuốc lá phải có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng và để chống buôn lậu hiệu quả thì cần xóa bỏ khoảng cách về địa lý trong chỉ đạo, điều hành.
Các lực lượng có nhiệm vụ chống buôn lậu đã tổ chức điều hành theo ngành dọc từ lâu như biên phòng, hải quan... và hiện nay QLTT cũng được tổ chức theo ngành dọc sẽ giúp cho việc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tốt hơn trong thời gian tới.
Phóng viên: Có thể thấy, buôn lậu thuốc lá đang có những diễn biến ngày càng phức tạp. Vậy theo ông, để đẩy lùi vấn nạn này, cần có giải pháp căn cơ nào?
Ông Trần Hữu Linh: Chính phủ đã có Chỉ thị số 30/CT-TTg (ngày 30/9/2014) về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, thời gian tới các lực lượng chức năng; trong đó có lực lượng QLTT cần triển khai tốt hơn nữa Chỉ thị này.
Thêm nữa, hiện nay các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là cư dân sống quanh khu vực biên giới nên giải pháp căn cơ và dài hạn là đảm bảo công ăn việc làm cho người dân nơi đây không tiếp tay cho buôn lậu.
Trong ngắn hạn, tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị cho bản thân lực lượng chống buôn lậu, tránh tuyệt đối tình trạng mang tính bảo kê, tiếp tay buôn lậu.
Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ khuyến khích những người dân đưa tin, tố giác hành vi buôn lậu thuốc lá cho lực lượng chức năng. Song song với đó, tăng cường cơ sở vật chất cho lực lượng chống buôn lậu, bởi buôn lậu ngày càng tinh vi, hiện đại, nhưng cơ sở vật chất của lực lượng chức năng vẫn còn rất khó khăn.
Sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng có nhiệm vụ chống buôn lậu có thể chặn đứng hoặc giảm thiểu được tình hình buôn lậu thuốc lá trong thời gian tới.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!